Chủ nhật, 24/11/2024, 11:49[GMT+7]

Hai cây bút nữ ở Thái Bình không gục ngã trước “số phận”

Thứ 2, 17/03/2014 | 10:28:04
2,327 lượt xem
Ðừng bao giờ thôi hy vọng và không được gục ngã trước số phận - đó là thông điệp mà dịch giả Nguyễn Bích Lan gửi gắm tới những ai có số phận kém may mắn như chị, để ngày càng có nhiều người khuyết tật vượt lên chính mình, sống tự tin và có ích ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh.

 

* Nguyễn Thị Minh Thuận: “Tình bạn” chắp cánh “tình thơ”

 

Khi sinh ra, chị Nguyễn Thị Minh Thuận ở thôn Phụng Thượng, xã Vũ An (Kiến Xương) không may mắc phải căn bệnh thần kinh teo cơ nên sức khỏe không được như những đứa trẻ cùng trang lứa, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Năm cuối cấp 2, một trận sốt xuất huyết đã khiến các cơ của chị teo đi, tứ chi cứ bé dần, việc đi đứng vốn đã khó khăn càng trở lên khó khăn hơn, chị đành phải nghỉ học. Bố mẹ đưa chị chạy chữa ngược xuôi nhưng hy vọng của cả gia đình dường như bị dập tắt khi các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai kết luận: đây là căn bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị.

 

Từ đây, chị bắt đầu giam mình trong cái “vỏ ốc của chính mình”, lặng lẽ khóc thầm trên chiếc giường trong căn phòng gần như lúc nào cũng đóng cửa. Nhưng cũng từ đây, chị lặng lẽ luyện tập cầm chắc cây bút trong bàn tay yếu ớt, “trải lòng” trên những trang giấy. Những vần thơ lục bát, những tản văn, những truyện ngắn ghi lại cảm xúc cá nhân, cuộc sống xung quanh cứ thế được viết ra. Một người bạn lén gửi bài thơ “Cô gái ươm bèo” đến tòa soạn Báo Thái Bình. Ngày nghe tin thơ của mình được đăng báo, chị Thuận hạnh phúc trào nước mắt. Từ đó, chị tiếp tục trau dồi ngòi bút, tích cực sáng tác. “Trời không phụ lòng người”, mọi sự cố gắng của chị đã được đền đáp. Năm 1984,  tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi có nhan đề “Làm chị” của chị được nhận giải B trong cuộc thi viết do Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Namon> và Nhà xuất bản Kim Ðồng tổ chức. Chị Thuận được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình.

 

Và sau đó, năm 1986, tác phẩm “Niềm vui và nước mắt” của chị đăng trên Báo Tiền Phong nhận được rất nhiều sự đồng cảm của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Tâm sự với chúng tôi, chị Thuận cho biết: Bạn bè chính là những người “chắp cánh” cho tâm hồn thơ văn của chị. Nhờ có những người bạn mà thơ, văn của chị đến được với các tòa soạn báo, đến được với các cuộc thi viết. Nhờ thư của bạn bè trong cả nước gửi về mà chị cảm thấy mình cần phải tiếp tục sáng tác để “đáp lại những tấm lòng” và sau này cũng nhờ bạn bè mà chị tìm được cách mưu sinh để tiếp tục sáng tác. 

 

Chị Thuận kể về mùa hè năm 1988, khi chị được một người bạn trong làng đưa đi thăm nhà văn Trần Bá Thước quê ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải. Trong cái nắng nóng, hai người phụ nữ “một lành một khuyết” cùng chiếc xe đạp vật lộn trên con đường đất đá đang làm đến thăm “ông bạn văn” đi lại bằng nạng và đứng sáng tác. Ông Thước khuyên chị nên mở một cửa hàng buôn bán nhỏ vừa để mưu sinh vừa để có điều kiện giao lưu, gặp gỡ tiếp xúc với mọi người xung quanh lấy chất liệu sáng tác. 

 

Trở về nhà, chị Thuận rất trăn trở trước lời khuyên của người bạn cùng cảnh ngộ. Vốn là người “ghét cay ghét đắng” cái nghề buôn bán nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhuận bút cộng tác các báo không thể đủ trang trải cho cuộc sống, chị Thuận quyết định chọn địa điểm, mở cửa hàng. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, cán bộ xã Vũ An đã tạo điều kiện cho chị mượn gian nhà kho đang bỏ trống của Ủy ban nhân dân xã. Với một tủ sách thiếu nhi, sách văn học, chị Thuận trở thành cô chủ và bắt đầu “kinh doanh” bằng việc mở dịch vụ thuê truyện, thuê sách, bán những đồ lặt vặt cho trẻ con. Sau này, gian nhà được Ủy ban nhân dân xã hóa giá cho chị Thuận. Với số vốn tích lũy nhiều năm, chị sửa sang lại, mở rộng mặt hàng vừa bán, vừa làm thơ, sáng tác văn xuôi.

 

Ðến nay, chị Thuận đã xuất bản được 3 tập thơ: “Sợi nắng mong manh”; “Ði tự tim mình” và “Tình bạn, tình thơ”, chị vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc năm 2000, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh tế - xã hội giai đoạn 1998 -  2003; chị đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác văn học do các ngành, đơn vị tổ chức. Hiện chị đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thi An - một câu lạc bộ thơ ở huyện Kiến Xương, thành lập  năm 2008 với hơn 30 hội viên sinh hoạt.

 

Khi được hỏi về ước mơ, chị Thuận cho biết: “Ước mơ trong tương lai gần của chị là có được một chiếc máy tính nối mạng để vừa cập nhật thông tin nhanh chóng vừa gửi bài cộng tác với các báo qua email. Việc tập làm việc với máy tính sẽ mất một khoảng thời gian, nhưng chỉ cần mình ham học hỏi thì chắc chắn sẽ làm được”...

 

* Nguyễn Bích Lan “Không gục ngã”

 

 

“Tôi không thể chỉ ngồi chờ. Cuộc chờ đợi của tôi không ngắn như chờ một chuyến tàu mà đã kéo dài hơn 20 năm rồi. Nằm lì trên giường dưỡng bệnh thì mãi mãi không bao giờ thoát khỏi căn bệnh quái ác”. Vì thế, Nguyễn Bích Lan (thôn Kiều Trai, xã Minh Tân, Hưng Hà) đã tìm cho mình một tia sáng, dù tia sáng đó ở tận cuối đường hầm. Với một cơ thể teo nhỏ (30 kg) bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ, chị vẫn tự mày mò học tiếng Anh và trở thành dịch giả văn học nổi tiếng, tác giả của cuốn tự truyện “Không gục ngã”, ảnh hưởng lớn đến nhiều người, nhất là những người khuyết tật.

 

Sinh ra vốn là một cô bé khỏe mạnh, nhưng vào một buổi sáng định mệnh cô học trò lớp chuyên Văn, Nguyễn Bích Lan bỗng cảm thấy hai đầu gối bị tê điếng, ngã xuống mãi mới đứng dậy được. Từ buổi sáng ấy, chị phải tạm biệt chiếc xe đạp, lê đôi chân đang dần teo nhỏ nhích từng bước khó nhọc đến trường. Gia đình đã đưa chị đi chữa chạy ở nhiều bệnh viện nhưng không có kết quả, chân chị cứ teo dần, không đi lại được nữa. Căn bệnh loạn dưỡng cơ tưởng “cầm tù” được chị trong bốn bức tường nhưng không thể bởi chị không cho phép mình tuyệt vọng, càng không thể gục ngã trước số phận. Mặc cho những cơn đau hành hạ, Bích Lan vẫn tập vận động mỗi ngày và tự học để hoàn thành chương trình THPT.

 

Rồi một ngày, cậu em họ từ Hà Nội về chơi mang quyển từ điển tiếng Anh ra đọc, Bích Lan mê luôn và nhờ cậu giúp đỡ. Trở về Hà Nội, cậu em họ liền gửi tập giáo trình tiếng Anh về cho chị. Càng học, chị càng thấy yêu tiếng Anh. Ngoài sách, chị còn học và luyện phát âm tiếng Anh qua radio, qua băng cát-xét... Sau 4 năm đắm mình với tiếng Anh, vừa đánh vật với chữ nghĩa, vừa chống chọi lại những cơn đau do bệnh tật hành hạ, không một ngày đến trường nghe thầy cô giảng bài nhưng Bích Lan vẫn hoàn thành chương trình tiếng Anh và các giáo trình bắt buộc khác đối với một sinh viên đại học ngoại ngữ. Bà Tống Thị Ninh, mẹ chị bảo: “Lan chăm học lắm, không hôm nào bỏ sót chương trình học tiếng Anh trên sóng đài phát thanh”.

 

Có vốn tiếng Anh kha khá rồi Bích Lan mới chợt nghĩ đến việc “các em học sinh ở làng quê mình chưa biết đến thứ ngôn ngữ phổ biến trên thế giới này, vậy tại sao mình không truyền dạy cho các em nhỉ? Ấy cũng là cách để rèn luyện kiến thức”. Bà Ninh ủng hộ ngay ý tưởng đó của con gái, liền đi mời mấy em nhỏ về nhà cho chị dạy. “Lớp học cây táo” ra đời từ đó. Bốn năm, “Lớp học cây táo” của chị đã có hơn 100 học trò, 8 em đã trở thành giáo viên ngoại ngữ. Cô giáo Bích Lan rất vui vì những học trò ngày nào của mình giờ đã trưởng thành, nhưng ít ai biết được rằng nhiều khi đang dạy học do đuối sức cô giáo chỉ nặng có 30 kg đó đã phải gọi nhờ mẹ tiêm một liều thuốc trợ lực để có thể tiếp tục đứng lớp.

 

Căn bệnh loạn dưỡng cơ biến chứng sang tim khiến cho cô giáo Lan đành từ bỏ ước mơ “gieo chữ” trong sự tiếc nuối của các em học sinh và cả các bậc phụ huynh. Phải nằm trên giường bệnh điều trị ở Hà Nội song Bích Lan vẫn tự nhủ: mình không được gục ngã mà phải tự mở cho mình một cánh cửa nữa để bước ra thế giới bên ngoài. Chiếc máy tính có kết nối internet đã giúp chị trở thành dịch giả văn học khuyết tật nổi tiếng cả nước dù ở Thái Bình hay ở Hà Nội. Chị tâm sự: “Khi cầm cuốn sách đầu tiên do mình dịch, tôi vô cùng xúc động. Ðó là điều không thể ngờ tới, như là một giấc mơ vậy”.

 

Từ đó đến nay, Bích Lan đã sở hữu gần 30 đầu sách được nhiều độc giả ưa thích như: Triệu phú khu ổ chuột, Vũ điệu trái tim, Những người phụ nữ thay đổi thế giới, Thần đồng thế kỷ 20… Năm 2010 chị vinh dự được nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là một trong 8 phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh, được mời tham gia chương trình “Người đương thời”. Ngoài dịch truyện, chị còn viết truyện ngắn và làm thơ đăng trên các báo, tạp chí.

 

Ðầu năm 2013, Bích Lan cho ra đời cuốn tự truyện “Không gục ngã” với niềm hy vọng như chính chị chia sẻ: “Không gục ngã” là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên nhưng câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống của chính mình”. Vui vì thành công của con gái nhưng bà Ninh cũng không khỏi ngậm ngùi: “Trời bắt tội nó, nhưng lại cho nó cách để sống tốt hơn”.

 

Ðừng bao giờ thôi hy vọng và không được gục ngã trước số phận - đó là thông điệp mà dịch giả Nguyễn Bích Lan gửi gắm tới những ai có số phận kém may mắn như chị, để ngày càng có nhiều người khuyết tật vượt lên chính mình, sống tự tin và có ích ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh.

Vũ Hường – Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày