Chủ nhật, 24/11/2024, 11:32[GMT+7]

Mẹ tôi

Thứ 6, 21/03/2014 | 14:58:49
1,419 lượt xem
Mẹ tôi là Phạm Thị Lanh ở thôn Đoài, xã Thái Giang (Thái Thụy). Tết đến Xuân về, lòng tôi trào dâng nhớ thương mẹ...

Homer Steedly thắp hương trước bàn thờ mẹ Phạm Thị Lanh.

 

Thuở nhỏ, mẹ tôi sống dưới chế độ thực dân phong kiến, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nhà nghèo đông con, mẹ vất vả tảo tần nuôi 7 anh em chúng tôi ăn học, nhiều hôm đứt bữa mẹ nhường phần khoai sắn cho các con ăn. Còn nhỏ, nhận phần ăn của mẹ, tôi hồn nhiên ăn ngon lành. Mỗi lần, nghe mẹ kể cuộc đời vất vả gian truân nuôi các con mà ngỡ như kể truyện cổ tích, dần dần lớn lên nhận thức được tôi thương mẹ vô cùng.

 

Ngày mẹ tiễn anh cả, anh hai lên đường ra mặt trận vào những năm 1961 – 1962, chiến trường ác liệt mẹ giấu kín nỗi lo âu, vui vẻ tiễn hai con ra trận. Trước lúc lên đường, mẹ chỉ dặn hai anh một điều: “Các con đừng làm điều gì dại dột để hoen ố truyền thống cách mạng của quê hương”. Thế rồi, ngày tháng qua đi, mẹ mỏi mòn mong đợi những lá thư từ chiến trường gửi về. Chiến trường ngày một ác liệt, những cánh thư ngày một thưa thớt dần, mẹ tôi ngày một trầm tư. Để vơi đi nỗi nhớ các anh, mẹ thường lui tới nhà mấy bà hàng xóm có con cùng đi B để chia sẻ nỗi niềm. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại mang quần áo cũ của anh cả, anh hai ra ôm ấp, hít ngửi mùi quần áo, tôi hiểu mẹ thương các anh đến cháy lòng. Mấy chị em tôi sợ nhất là những đêm đón giao thừa, nghe tiếng pháo nổ, tiếng cười bên hàng xóm làm mẹ lại ngất đi vì nghĩ tới hai con đang phải đối mặt với quân thù ngoài chiến trường. Thế rồi nhiều năm biệt tin hai con, mẹ tôi ốm yếu triền miên.

 

Niềm hy vọng vụt tắt khi mẹ nhận được giấy báo tử anh cả - liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm hy sinh năm 1968 tại chiến trường Gia Lai. Mẹ tôi sinh bệnh đau tim, nỗi đau trước chưa nguôi thì chỉ 5 tháng sau tôi lại nhận được tin anh hai hy sinh, cả nhà tôi giấu  không cho mẹ biết. Song, linh cảm của người mẹ không ai có thể giấu mẹ được lâu, niềm hy vọng cuối cùng trong mẹ đã tan biến. Mẹ tôi đột ngột qua đời ở tuổi 58.

 

Chiến tranh vô cùng nghiệt ngã, mẹ đã hiến dâng hai người con của mình cho cách mạng, song gia đình tôi còn một chút may mắn hơn nhiều gia đình khác. Năm 2005, gia đình tôi bất ngờ nhận lại được kỷ vật của người anh cả liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm do một người lính Mỹ tên là Homer Steedly đã bắn chết, rồi thu kỷ vật, lưu giữ tại đất nước Mỹ. Sau gần 40 năm sống trong nỗi ám ảnh, ân hận, day dứt lương tâm, Homer Steedly đã lặn lội qua nửa vòng trái đất tìm tới gia đình trao lại kỷ vật, thắp hương cúi đầu xin mẹ tôi tha tội. Đứng trước bàn thờ mẹ tôi Homer Steedly nói: “Tôi thành thật xin lỗi và mong bà tha tội vì đã ngu xuẩn tham chiến ở Việt Nam và sát hại con bà, bà là người anh hùng trong trái tim tôi”.

 

Với tấm lòng nhân hậu của người Phụ nữ Việt Namon>, tôi tin nơi suối vàng mẹ sẽ tha tội cho người lính Mỹ và mãn nguyện khi thấy rằng những đứa con thân yêu của mình đã đóng góp một phần  nhỏ bé vào cuộc chiến tranh để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Ðăng Cát

(Thái Giang, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày