Chủ nhật, 28/07/2024, 03:20[GMT+7]

Những cặp đôi khiếm thị giàu nghị lực

Thứ 5, 17/04/2014 | 08:10:23
1,087 lượt xem
Cùng chung cảnh ngộ, họ tìm đến với nhau để bù đắp, tạo điểm tựa tinh thần vững chắc, cùng dựng xây một gia đình hạnh phúc. Tình yêu đã trở thành nguồn động lực vượt qua rào cản bóng tối, tự tin tạo lập cuộc sống mới. Có nghề và gia đình, nhiều cặp đôi khiếm thị dần thoát khỏi vỏ bọc tự ti, sống có trách nhiệm hơn với chính mình và xã hội.

Anh Đặng Thanh Phương (Hồng Giang, Đông Hưng) cần mẫn làm việc kiếm tiền chăm lo cho gia đình.

Gặp Nguyễn Văn Duy, thôn Duyên Giang (xã Phú Lương, Đông Hưng) khi anh đang tất bật với việc xoa bóp, bấm huyệt cho khách. Anh tâm sự: “Gia đình chuẩn bị đón thành viên mới nên phải cố gắng, làm nhiều có thêm thu nhập phụ giúp vợ nuôi con”. Niềm hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt người đàn ông khiếm thị khiến chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của anh dành cho gia đình. Tình yêu và sự đồng cảm, sẻ chia của người vợ giúp Duy thay đổi. Từ một người nhụt ý chí, sống khép kín, anh đã dũng cảm xóa bỏ rào cản khiếm thị, tự tin đón nhận hạnh phúc.

Khát vọng vươn lên nỗ lực làm giàu, cải thiện cuộc sống gia đình đã thực sự trỗi dậy trong anh khi gặp được người vợ của mình - chị Nguyễn Thị Hải (quê Ý Yên, Nam Định). Thế nhưng, đến được với nhau, ngoài sự trở ngại của khoảng cách địa lý, tình yêu của họ phải trải qua thử thách từ hai bên gia đình. Anh Duy tâm sự: “Các bậc sinh thành của người khiếm thị đều muốn tìm cho con mình bến đỗ là người sáng mắt để ít nhiều có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày và hơn cả họ sợ tương lai những đứa con. Bố mẹ tôi cũng thế, họ muốn con mình được hạnh phúc”.

Không bỏ cuộc, sau hơn 1 năm thuyết phục, đám cưới diễn ra trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Gia cảnh 2 bên đều làm nông nghiệp, không có điều kiện hỗ trợ, anh Duy chị Hải phải tự lập cuộc sống. Có nghề tẩm quất, chăm chỉ làm việc, cùng vun vén hạnh phúc gia đình tại các cơ sở xoa bóp, bấm huyệt trong huyện. Sự ra đời của đứa con trai kháu khỉnh, lành lặn như bù đắp sự khiếm khuyết đôi mắt và nỗ lực của họ.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, anh chị tiết kiệm tiền xây dựng công trình phụ gồm nhà ăn, nhà vệ sinh với tổng giá trị gần 40 triệu đồng. Chia sẻ dự định trong tương lai, anh cho chúng tôi biết: Hai vợ chồng sẽ cố gắng mở cơ sở tẩm quất riêng bảo đảm cuộc sống gia đình, chăm sóc nuôi dạy con tốt hơn.

Ở Đông Hưng, ngoài vợ chồng anh Duy chị Hải, cặp đôi khiếm thị Đặng Thanh Phương và Lý Thị Thơm (xã Hồng Giang) được nhiều người cảm phục bởi nghị lực vượt khó. Sau nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi tìm đến Cơ sở tẩm quất bấm huyệt người mù Ban Mai (số 393, đường Trường Chinh, Thành phố Nam Định) nơi anh Phương làm việc.

Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: sau khi cưới 1 tuần, bố tôi qua đời. Tôi là anh cả trong gia đình dù thị lực kém nhưng vẫn phải lo toan nhiều việc. Khó khăn càng chồng chất khi vợ mang bầu. Hàng xóm ái ngại cho hoàn cảnh của đôi vợ chồng. Những lúc ấy, vợ chồng thường tự động viên nhau: “Mình không được may mắn như người khác, cần phải cố gắng gấp nhiều lần".

Nỗ lực vượt lên số phận, 2 vợ chồng vay mượn thuê cửa hàng, mở Cơ sở tẩm quất Phương Thơm tại Thị trấn Vũ Thư, song nguồn thu cũng chẳng đáng là bao. Anh quyết định sang Thành phố Nam Định làm việc với mức thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/tháng giúp anh ổn định cuộc sống, giúp vợ chăm lo cho gia đình. Có nghề và tự tin với tay nghề của mình, dự định của anh là mở cơ sở tẩm quất cho chính mình.

Sự nghị lực được vun đắp từ tình yêu đã và đang giúp nhiều cặp vợ chồng khiếm thị tự lập cuộc sống của chính mình, vươn tới ước mơ làm giàu. Dẫu chặng đường ấy vẫn còn nhiều gian nan vất vả nhưng với niềm tin và động lực, chúng tôi nghĩ rằng “nguồn sáng” sẽ đến với họ - những con người không ngừng cố gắng vươn lên.

Mạnh Hùng
(Sinh viên thực tập)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày