Phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi tổng hợp
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, UBND xã Ðông Cường (Ðông Hưng) đã tập trung chuyển đổi một số diện tích đất chua, trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trang trại, gia trại, kết hợp giữa chăn nuôi lợn, gà, vịt với thả cá cho hiệu quả kinh tế cao. Cũng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư chăn nuôi nên đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn Ðông Khê đang là một trong những mô hình sản xuất có hiệu quả để nhiều gia đình khác trong và ngoài xã đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thoát nghèo.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND xã Ðông Cường, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, vốn là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây kinh tế gia đình anh Tuệ chỉ trông vào mấy sào ruộng nên thu nhập rất thấp, cuộc sống bấp bênh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND xã Ðông Cường, năm 1997 gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 4.000m2 là diện tích cấy lúa của gia đình sang đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với đào ao thả cả với mong muốn sẽ thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Với số vốn tự có ban đầu ít ỏi cộng với vay thêm từ anh em, bạn bè, gia đình anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng hút cát, nâng cao mặt nền khu chăn nuôi và đào ao thả cá. Do số vốn ban đầu còn hạn hẹp nên anh thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu, anh tập trung chủ yếu vào nuôi cá thương phẩm. Vì chưa có kinh nghiệm, anh cũng chỉ dám đầu tư ít, mỗi năm một lứa với mục tiêu vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao, nếu hiệu quả kinh tế cao tiếp tục đầu tư. Khi bắt tay vào chăn nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên anh luôn dành phần lớn thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã tổ chức và đi học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả ở nhiều nơi về phương pháp chọn giống và chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi.
Ðầu năm 2000, khi đã nắm kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi, gia đình anh đã tiếp tục đầu tư xây dựng gần 500m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn, ngan, gà, vịt thương phẩm. Hiện nay, hàng năm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh luôn duy trì nuôi khoảng 100 con lợn thịt, 9.000 - 10.000 con gà thương phẩm, 1.000 con ngan và gần 500 con vịt. Năm 2013, tổng thu nhập từ mô hình chăn nuôi cho thu tới hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Tuệ tâm sự, để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ và kiên trì, người chăn nuôi cũng cần phải tự trang bị cho bản thân mình về kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc khi gia cầm còn nhỏ và chú ý tiêm vắc xin theo đúng định kỳ. Ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, người chăn nuôi cần chú ý thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi.
Trong thời gian tới, gia đình anh dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích khu vực chăn nuôi nhưng lại đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư, anh rất mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho anh cũng như nhiều gia đình chăn nuôi khác trong xã được tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước với lãi suất thấp để anh tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mô hình chăn nuôi của anh Tuệ còn trở thành điểm đến học hỏi đáng tin cậy của nhiều nông dân trong xã, nhờ có anh giúp đỡ về kinh nghiệm nên nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đó giúp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch UBND xã Ðông Cường cho biết: Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động bà con nhân dân trong xã tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung vào xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại; kết hợp giữa nuôi cá truyền thống và các loại gia súc, gia cầm. Cùng với việc vận động bà con nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, UBND xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Phạm Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam