Chủ nhật, 01/09/2024, 19:11[GMT+7]

“Hoa cam”

Thứ 3, 22/04/2014 | 09:05:23
1,200 lượt xem
Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Hú, xã Hòa Tiến, Hưng Hà) được người dân quanh vùng gọi bằng cái tên thân mật “Hoa cam” bởi chị cùng gia đình với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm một cách khoa học, tận dụng lợi thế, tiềm năng đất đai, thực hiện quyết tâm và khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương qua mô hình trồng cam Vinh, cam đường Canh trên vùng đất bãi.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa trong vườn cam của gia đình.

Theo con đường đê về vùng đất bãi thôn Hú, chúng tôi choáng ngợp giữa màu xanh bạt ngàn của vườn cam đang ra hoa của gia đình chị. Ðưa chúng tôi đi thăm vườn, chị Hoa nhớ lại: Trước đây gia đình chị cũng như bao hộ gia đình khác chủ yếu canh tác rau màu ngắn ngày, trồng ngô, khoai hoặc cấy lúa nên không khai thác được hết tiềm năng của đất. Ðời sống vì thế mà cũng còn nhiều khó khăn. Ðã có khoảng thời gian dài anh chị cho thuê ruộng rồi lên Hà Nội buôn bán hoa quả. Chính trong quá trình ấy, qua trao đổi với bạn hàng, nhận thấy trồng cam có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2006, anh chị quyết định bỏ phố về quê xin chuyển đổi 1 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cam. Thông qua bạn bè, khách hàng cũ, anh chị sang Văn Giang (Hưng Yên), lên Trường đại học Nông nghiệp mua giống cam ngon và học tập kinh nghiệm.

Quyết tâm phát triển kinh tế từ việc trồng cam nên có khi hàng tuần liền anh hoặc chị ở lại trong các trang trại, vườn cam để học cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Có kỹ thuật trong tay, huy động vốn từ gia đình và vay từ các ngân hàng, năm 2012, gia đình chị mạnh dạn đấu thầu 11 mẫu đất ngoài bãi sông Luộc để trồng cam Vinh và cam đường Canh. Ngoài diện tích trồng cam, chị còn kết hợp trồng đu đủ, nuôi gà và đào ao nuôi cá. Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi, nhạy bén, năng động, tiếp thu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chị Hoa đã thành công với mô hình trồng cam. Năm 2013, gia đình chị đã thu hoạch được 6 tấn cam Vinh và 1 tấn cam đường Canh, đồng thời bán các loại cây giống ra thị trường, sau khi trừ mọi chi phí còn thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Theo chị Hoa, cam Vinh, cam đường Canh cho hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ai cũng trồng được bởi đây là loài cây “khó tính”, đòi hỏi người làm vườn vừa phải có kỹ thuật vừa phải có tâm huyết. Cây cam rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, nếu không áp dụng chế độ chăm sóc nghiêm ngặt, cây dễ mắc các bệnh rệp, vàng lá gân xanh. Ngoài việc học hỏi từ các vườn cam trong và ngoài tỉnh, anh chị còn tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để tích lũy thêm kinh nghiệm. Do có kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn cam của gia đình anh chị vừa được nước vừa được sắc, bao giờ cũng bán “được” giá hơn các vườn cam khác. Năm 2013, thương lái đã về thăm vườn và đặt giá 35.000 đồng/kg cam Vinh, 60.000 đồng/kg cam đường Canh.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hoa còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hú. Nhiệt tình với các phong trào, hoạt động, chị cùng Ban Chấp hành tổ chức tuyên truyền cho hội viên về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là giúp chị em kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam Vinh, cam đường Canh sao cho mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vườn cam không chỉ giúp làm giàu cho gia đình chị mà còn tạo việc làm thêm cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn thông qua những công việc như trồng, chăm sóc, thu hoạch cam.

Gia đình chị Hoa là một trong số rất nhiều hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất bãi ở Hưng Hà nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung. Ngoài những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các gia đình, rất cần hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đầu tư cải tạo đất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả các loại cây trồng. Hy vọng, với thị trường ổn định, “được” giá, cây cam sẽ mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho gia đình chị Hoa nói riêng và những hộ trồng cam nói chung.

Phương Chi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày