Chủ nhật, 24/11/2024, 11:21[GMT+7]

Chuyện người lính đối đầu với cả lữ đoàn địch

Thứ 3, 22/04/2014 | 09:40:49
6,129 lượt xem
39 năm qua đi, không khí ngày chiến thắng 30/4/1975 thu non sông về một mối vẫn còn đọng lại nhiều ký ức trong mỗi người lính, mỗi người dân Việt. Với cựu chiến binh Nguyễn Đình Thoảng, giây phút ấy đã ăn sâu vào tâm trí của người lính một thời lăn lộn ngoài chiến trường...

Ông Thoảng bên những chiến công được tặng thưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

Từ khi xuất ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thoảng, ở tổ 11, phường Phú Khánh (Thành phố Thái Bình) vẫn mang trong mình thương tích của chiến tranh. Sống lặng lẽ giữa đời thường.  

 

39 năm qua đi, không khí ngày chiến thắng 30/4/1975 thu non sông về một mối vẫn còn đọng lại nhiều ký ức trong mỗi người lính, mỗi người dân Việt Namon>. Với ông Thoảng, giây phút ấy đã ăn sâu vào tâm trí của người lính một thời lăn lộn ngoài chiến trường... Năm 1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ trở lên khốc liệt, Nguyễn Đình Thoảng xung phong nhập ngũ. Ông xúc động nhớ lại: “Khi đó tôi tham gia vào lực lượng bộ binh, chinh chiến nhiều trận đấu ác liệt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh trước làn bom đạn của đế quốc Mỹ mà lòng thắt quặn. Nhưng chiến tranh mà, có ai muốn đâu, sự sống và cái chết không báo trước. Được chết vì Tổ quốc là cái chết vinh quang. Sau khi nhập ngũ, tôi ở bộ binh 6 năm thì bổ sung cho binh chủng tăng thiết giáp”.

 

Chuyển sang đơn vị mới, nhận nhiệm vụ mới, Nguyễn Đình Thoảng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1967, chiến sự càng ác liệt, các đơn vị ngoài Bắc được lệnh Nam tiến để bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Lúc này Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 203 tăng thiết giáp của ông đang đóng quân ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình phải hành quân bộ qua Thanh Hóa rồi men theo đường biên sang Lào để bảo đảm bí mật. Đơn vị hành quân ròng rã gần 1 tháng mới đến địa bàn nhận nhiệm vụ.

 

Đơn vị của Nguyễn Đình Thoảng nhận lệnh xuất kích, tiêu diệt lữ đoàn dù của không quân Mỹ tại căn cứ 31, phía bắc đường 9 Nam Lào. Đây là trận chiến để lại nhiều ấn tượng đối với những cựu binh của binh chủng tăng thiết giáp. Ông Thoảng bồi hồi nhớ lại: “Đây là trận chiến diễn ra vào ban ngày tại vị trí then chốt của quân ta. Nếu để địch kiểm soát cao điểm 543 của căn cứ 31 thì coi như chúng chặn hoàn toàn tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Namon>, vì thế trước khi ra trận, anh em trong đơn vị đã thề quyết tâm giành chiến thắng, chấp nhận hy sinh để giữ đường 9 hoạt động thông suốt”.

 

Trong trí nhớ của ông Thoảng, trận chiến ấy vô cùng khốc liệt. Đúng 8 giờ sáng ngày 25/2/1971, đơn vị của ông xuất kích với 3 chiếc xe tăng. Ông Thoảng là pháo thủ trong chiếc xe đầu mang số hiệu 550, lúc này trong xe còn có đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 3, đồng chí Trung đội trưởng tên Duyên và đồng chí Đoàn lái xe. Ông kể với chúng tôi, đây là trận chiến đấu ác liệt nhất, đáng nhớ nhất trong đời cầm súng của mình. Sau khi bước vào trận đánh, địch tăng cường thêm máy bay và lính dù nhằm bao vây đơn vị tăng thiết giáp, chúng quần thảo trên bầu trời, nã đạn vào chiếc xe thứ hai do đồng chí Huấn điều khiển. Hai chiếc xe đều phải rút về phía sau để bảo toàn lực lượng. Chiếc xe của pháo thủ Nguyễn Đình Thoảng tiếp tục chiến đấu, phá vỡ vòng vây của địch. Sang đầu giờ chiều, chiếc xe 550 của ông chiếm được đỉnh đồi (cao điểm 543).

 

Ông cho biết: “Khi chiếm được đỉnh đồi thì vẫn chưa ai biết có hầm bí mật của địch. Lúc này tôi cũng không biết trong hầm có bao nhiêu tên và chúng có vũ khí hay không. Tôi ra hiệu đồng chí Duyên dùng đạn hơi cay bắn thẳng vào cửa hầm. Được một lúc vài tên địch giơ tay hàng đi ra khỏi hầm. Tôi nhảy ra khỏi xe, cầm khẩu AK khống chế, tôi đếm tất cả có 47 tên lính ngụy”.

 

Đến ngày 27/2/1971, quân Mỹ huy động lực lượng để giải vây bộ tham mưu lính dù bị ta khống chế. Trận này lực lượng của ta mỏng nên anh em thương vong nhiều. Ông Thoảng trúng đạn và bị thương rất nặng. Ông Thoảng bồi hồi nhớ lại: “Đơn vị đã chiến đấu hết sức mình nhưng lực lượng ta so với địch quá chênh lệch. Tôi bị mất máu rất nhiều, cố gắng lê người vào mé rừng rồi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong bệnh xá dã chiến. Sau này đồng đội kể lại tôi mới biết mình đã thoát chết nhờ Trung đoàn 66 Hà Bắc cứu”.

 

Ngày đất nước thống nhất, ông phục viên trở về quê nhà. Niềm vui được gặp gia đình, người thân như vỡ òa. Mỗi lần ngồi kể chuyện chiến đấu của mình cho con cháu nghe ông vẫn thường nhắc đến chuyện của người lính trước khi ra trận. “Bước vào chiến dịch, mỗi người lính chuẩn bị một miếng nhôm bằng bàn tay để khắc rõ tên, tuổi, đơn vị, quê quán rồi cho vào ba lô hoặc buộc vào người. Nếu bị thương nặng hoặc hy sinh thì đơn vị dễ tìm. Đây là chuyện có thật và cũng là lẽ đương nhiên phải làm lúc ấy”, ông Thoảng kể cho chúng tôi.

 

39 năm đất nước thống nhất vẹn toàn, những người lính ra đi khi tuổi còn xanh nay tóc đã bạc trắng. Họ đã cống hiến những ngày đẹp nhất cho chiến trường, cho sự nghiệp chiến đấu giành tự do, độc lập thống nhất đất nước của dân tộc Việt Namon>. Đối với ông Thoảng đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của lớp thanh niên bấy giờ. Ngày ấy ông là người đầu tiên trong binh chủng tăng thiết giáp được nhận Huy hiệu Bác Hồ.

 

Những ngày tháng 4 lịch sử lại trở về trong ký ức người lính già. Niềm vui lớn nhất của ông bây giờ là vui vầy cùng cháu con, kể cho chúng nghe về cuộc chiến mà tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh làm nên chiến thắng lịch sử.

Tất Đạt

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày