Thứ 6, 22/11/2024, 00:42[GMT+7]

Gương sáng thương binh Ðào Trọng Chiến

Thứ 7, 03/05/2014 | 15:25:01
2,830 lượt xem
Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình, ông Ðào Trọng Chiến thật sự là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần của người thương binh “tàn nhưng không phế”, biết nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ đổi mới để làm giàu chính đáng. Ghi nhận những nỗ lực vượt khó, ông được Hội Cựu chiến binh Thành phố vinh danh là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Ông Ðào Trọng Chiến kiểm tra dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi gặp cựu chiến binh, thương binh Ðào Trọng Chiến, xã Vũ Ðông (thành phố Thái Bình) để nghe ông kể về những năm tháng “vào sinh ra tử” cùng đồng đội đồng cam cộng khổ, anh dũng, kiên cường chiến đấu ở các chiến trường ác liệt vùng ven Sài Gòn. Trở về quê hương khi đất nước sạch bóng quân thù, người thương binh nặng, với thương tật 81% đã không khuất phục trước số phận, vươn lên trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

 

Cũng như bao thanh niên khác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1971, khi vừa tròn 17 tuổi người thanh niên trẻ Ðào Trọng Chiến đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ chỉ với một suy nghĩ đơn giản, khi Tổ quốc cần thì chúng ta lên đường. Ðầu những năm 70 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ đã vạch ra kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh (dùng người Việt trị người Việt), nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu chiếm giữ miền Nam Việt Nam, nhưng quân Mỹ lui về phía sau để rút dần về nước, giảm bớt sự dính líu của quân chiến đấu Mỹ trên bộ. Chúng xây dựng chính quyền, quân đội tay sai, chỉ cung cấp trang thiết bị, huấn luyện và can thiệp dưới vai trò là những cố vấn. Vùng Tây Ninh, Gia Ðịnh, Củ Chi là địa bàn chiến lược của cách mạng nên thường xuyên chịu nhiều đợt càn quét khốc liệt của kẻ thù.

 

Một trong những kỷ niệm đã đi theo ông trong suốt những năm tháng của cuộc đời, ngày đó: “Chúng tôi nhận được sự cưu mang, đùm bọc, che dấu của bà con nhân dân; do vậy dù trong lòng địch nhưng bí mật của các trận đánh vẫn được giữ tuyệt đối đến giờ nổ súng. Lúc ấy những lời động viên như: “Gắng lên nha tụi bây”, “Cẩn thận nha các em” của bà con là điều tôi không thể nào quên. Ðôi mắt ông Chiến lại sáng lên khi kể với chúng tôi nhiều hơn về đồng đội của mình cùng những năm tháng hào hùng. Ông bảo, “Thời ấy cả nước mình khổ chứ chẳng riêng gì ai, nhưng có ra trận mới hiểu hết sự hiểm nguy. Ðồng đội ngày ấy có người thương tích khắp mình, mất tay chân, hỏng đôi mắt và nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Năm 1973, trong một trận càn bằng xe tăng của địch, tôi bị thương nặng, được đồng đội và bà con nhân dân đùm bọc nên mới đưa được tôi vượt ra ngoài về quân y viện ở vùng giải phóng”.

 

Do vết thương quá nặng nên thương binh Ðào Trọng Chiến đã phải điều trị hơn 3 năm tại Trại Ðiều dưỡng thương binh Quang Trung (Kiến Xương). Những cơn sốt triền miên, các vết thương hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, đã có lúc ông Chiến tưởng như mình không trụ được. Vậy mà bấy nhiêu khó khăn cũng không thể lay chuyển nghị lực sống của người thương binh từng vào sinh ra tử. Năm 1976, cô thôn nữ xóm bên Hà Thị Thương cảm phục trước nghị lực phi thường của anh thương binh trẻ Ðào Trọng Chiến, 2 người đã nên duyên vợ chồng. Cùng năm đó, ông theo học tại Trường Quản lý xí nghiệp, Bộ Công nghiệp nhẹ.

 

Sau 4 năm miệt mài đèn sách, tháng 3/1980 ông về công tác tại Nhà máy Da giày xuất khẩu Thái Bình. Năm 1995, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, mọi chi phí chỉ trông chờ mấy sào ruộng khoán và đồng lương ít ỏi của ông, trong khi các con đang ở tuổi ăn, tuổi học. Ðúng lúc đó, Nhà nước có chế độ cho nghỉ thôi việc một lần, ông bàn với vợ xin nghỉ việc trở về địa phương tham gia phát triển kinh tế. Khắc sâu lời dạy của Bác “Có chí thì nên”, “Không ai là người vô dụng”, cuộc chiến chống đói nghèo, làm giàu một lần nữa lại thúc giục ông. Nhận thấy nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân ngày một tăng, 2 vợ chồng ông đã nhận thầu khoán của xã gần 1 mẫu ruộng để dựng lò gạch ngoài bãi sông Trà Lý.

 

Sau khi đã tích lũy được chút vốn, năm 1999 ông chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi và phát triển, vì vậy năm 2008 ông tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư máy sản xuất gạch bê tông, cống bi. Ðến nay, ông là chủ của một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có tiếng trên địa bàn. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, ông còn tạo việc làm ổn định cho 16 - 20 lao động với mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông từ chỗ thuộc diện nghèo, đã trở thành gia đình thuộc diện khá, giàu, 3 con của ông đều thành đạt, trong đó 2 con công tác tại ngành Công an còn người con trai giữa tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.

 

Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình, ông Ðào Trọng Chiến thật sự là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần của người thương binh “tàn nhưng không phế”, biết nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ đổi mới để làm giàu chính đáng. Ghi nhận những nỗ lực vượt khó, ông được Hội Cựu chiến binh Thành phố vinh danh là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

 Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày