Thứ 6, 17/05/2024, 14:11[GMT+7]

Những người gieo “mầm thiện”

Thứ 6, 18/07/2014 | 08:41:14
1,364 lượt xem
Với sự yêu ngành, mến nghề, những năm qua cán bộ quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cố gắng tìm tòi, khơi dậy lòng hướng thiện đối với những con người trót lầm đường lạc lối. Qua đó giúp họ thấy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, tạo động lực quyết tâm làm lại cuộc đời.

Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh duyệt hồ sơ phạm nhân.

Nói đến cảnh sát trại giam, nhiều người hình dung họ rất khô khan, khó tính, luôn dùng mệnh lệnh đối với phạm nhân. Phải chứng kiến công việc của họ mới hiểu rõ được cái tâm, cái đức của những chiến sĩ nơi đây. Họ không chỉ là người quản giáo mà còn là người thầy, người anh giúp những con người trót lầm đường lạc lối quyết tâm lao động, cải tạo, sớm trở về với gia đình, xã hội.

Hiện tại Trại tạm giam Công an tỉnh tiếp nhận, quản lý giam giữ 959 người, trong đó một số đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có tiền án, tiền sự luôn vi phạm nội quy kỷ luật; chúng tìm mọi cách để tàng trữ, sử dụng vật cấm trong buồng giam, nhiều trường hợp tỏ ra bất cần như đối tượng Lê Thanh Ðại bị kết án tử hình vì hành vi cướp của, giết người. Ðại tá Ðặng Văn Ba, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh chia sẻ: Cảnh sát trại giam rất vất vả, luôn phải làm việc trong điều kiện phức tạp, tiếp xúc giáo dục những con người lầm lỗi; mục đích của chúng tôi là làm thế nào sau thời gian giam giữ, cải tạo, phạm nhân được trở về với xã hội sẽ đoạn tuyệt quá khứ lầm lỗi, trở thành công dân lương thiện, có ích cho gia đình, xã hội... Trong số phạm nhân, mỗi người có một thân phận, một hoàn cảnh, một tâm tính khác nhau. Vì vậy, ngoài việc buộc họ chấp hành nội quy, quy chế của Trại cũng như hăng say lao động cải tạo tốt thì người cảnh sát trại giam phải có cái tâm trong sáng, có kiến thức tâm lý tội phạm, có phương pháp sư phạm chung và phương pháp sư phạm cá biệt. Một khó khăn trong công tác giam giữ là hầu hết phạm nhân mới vào trại đều có tư tưởng chống đối, trong họ luôn tiềm ẩn các thủ đoạn phạm tội, tìm mọi sơ hở để trốn trại, thậm chí có những âm mưu đánh cán bộ để trốn thoát nên tình trạng vi phạm nội quy, kỷ luật, gây gổ, chây lười hoặc lao động cầm chừng là điều khó tránh khỏi. Ðó là một trong những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh phải phấn đấu vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Văn Hưng, người có nhiều năm làm công tác quản giáo cho biết: Quản lý, giáo dục phạm nhân là công việc rất khó, muốn cảm hóa, giáo dục một con người phải hiểu được lai lịch, đặc điểm tâm lý của họ để có biện pháp hợp lý. Có như vậy, những cán bộ giáo dục mới có cơ hội nắm bắt tâm lý, chia sẻ với phạm nhân từ đó tạo nên những chuyển biến về nhận thức và hành động của họ. Ðể giáo dục con người hướng thiện thì phải kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp quản lý hành chính với giáo dục bằng cái tâm nghề nghiệp. Ðó chính là lòng bao dung độ lượng, xây dựng lòng tin cho phạm nhân bằng chính nhân cách của mình. Mỗi khi nhận phạm nhân vào Trại, ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, cán bộ quản giáo còn gặp gỡ, thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, động viên họ chấp hành tốt nội quy để họ không có cảm giác bị xa lánh, phân biệt, đối xử. Thông qua tiếp xúc, gần gũi, chỉ cho họ từ việc nhỏ đến việc lớn, hướng cho họ tham gia lao động cải tạo và lấy đó làm thước đo đánh giá sự tiến bộ của họ. Trong quá trình quản lý giáo dục phải đi sâu tìm hiểu đời sống nội tâm, khơi dậy những “mầm thiện” còn tiềm ẩn trong mỗi phạm nhân.

Quả thật, có chứng kiến công việc mới hiểu được nỗi gian truân, vất vả của lực lượng cảnh sát trại giam. Ngoài nhiệm vụ trực gác hàng tuần, mỗi ngày làm công tác quản giáo, bộ phận cảnh vệ phải dậy sớm để chuẩn bị công việc trước giờ phạm nhân đi lao động, họ phải luôn theo dõi, hướng dẫn và canh gác đề phòng phạm nhân bỏ trốn, bất kể đêm khuya, mưa to gió rét. Nhìn những cán bộ y tá bón từng thìa cháo, từng ngụm nước cho phạm nhân bị bệnh xã hội mới thấy hết tình người trong họ. Việc tổ chức lao động ở Trại không chỉ nhằm mục đích cải tạo mà còn tạo cho phạm nhân có một nghề để khi ra Trại họ có thể tự lao động để nuôi sống bản thân, hạn chế nguy cơ tái phạm. Ở Trại tạm giam Công an tỉnh, công việc phạm nhân lao động khá phong phú, từ trồng trọt, chăn nuôi đến sản xuất tiểu thủ công nghiệp... Mọi hoạt động lao động sản xuất đều có sự quản lý chặt chẽ và nhằm mục đích cải thiện, nâng cao đời sống. Ngoài tiêu chuẩn Nhà nước quy định, Trại còn tổ chức tăng gia thêm hàng trăm ki-lô-gam thịt lợn, gà, rau xanh cải thiện bữa ăn cho phạm nhân vào những ngày lễ, tết. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức. Ban giám thị và cán bộ ở đây rất quan tâm đến giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho phạm nhân, ngoài việc được học tập kiến thức pháp luật, phạm nhân còn được tìm hiểu về các bệnh xã hội, tác hại của ma túy, HIV, được tham gia sinh hoạt văn hóa, thi tìm hiểu pháp luật giúp họ nâng cao kiến thức khi trở về với cuộc sống đời thường.

Với sự yêu ngành, mến nghề, những năm qua cán bộ quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cố gắng tìm tòi, khơi dậy lòng hướng thiện đối với những con người trót lầm đường lạc lối. Qua đó giúp họ thấy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, tạo động lực quyết tâm làm lại cuộc đời.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày