Thứ 2, 25/11/2024, 11:12[GMT+7]

No đủ nhờ nuôi ong lấy mật trên vùng đất bãi

Thứ 6, 18/07/2014 | 08:45:29
3,390 lượt xem
Biết tận dụng nguồn mật hoa dồi dào từ các cây trồng trên đất bãi, cựu chiến binh (CCB) Vũ Văn Thoan (thôn Ðoàn Kết, xã Hồng Phong, Vũ Thư) đã đưa loài ong mật về với vùng đất bãi đem lại lợi nhuận kinh tế cao, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều người dân trong xã vươn lên thoát nghèo.

CCB Vũ Văn Thoan kiểm tra các thùng ong tại vườn nhà.

Vụ mật vừa qua, gia đình CCB Vũ Văn Thoan thu hoạch được hơn 2 tạ mật ong cung cấp cho thị trường. Hết mùa mật, ông lại bắt đầu vào vụ bán ong giống. Cứ như thế, hơn 100 đàn ong của gia đình ông cho khai thác quanh năm. CCB Vũ Văn Thoan chia sẻ: “Nuôi ong cũng đơn giản, không cầu kỳ như một số loài vật nuôi khác. Tuy nhiên, con ong mật có đặc tính hoang dã nên phải hiểu nó thì mới thành công. Khả năng kháng bệnh của ong rất cao, lại sống dựa vào nguồn mật hoa ngoài tự nhiên, con người không tốn nhiều công chăm sóc nhưng đã bắt tay vào nuôi ong thì phải xác định cần cù, chịu khó vì lơ đãng là ong sẽ bay đi nơi khác làm tổ”.

Nhớ lại những ngày đầu xuất ngũ trở về địa phương ai cũng vui vì được sum họp với gia đình nhưng lúc đó làng quê còn nghèo đói, có người phải bỏ đi nơi khác làm ăn mong được đổi đời. Ông Thoan là một trong số những người đó, đã từng vào Namon> ra Bắc, lên ngược xuống xuôi kiếm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề. Ðến năm 1997, ông tình cờ gặp lại người đồng đội cũ đang làm chủ trang trại ở thôn Thuận Vi (xã Bách Thuận, Vũ Thư). Chính người bạn ấy đã đưa ông đến với nghề nuôi ong như hiện nay. CCB Vũ Văn Thoan tâm sự: “Biết hoàn cảnh mình nghèo khó nên đồng đội nhận tôi làm thuê, giao cho tôi chăm sóc mấy trăm thùng ong bên Ninh Bình. Lần đầu tiên biết đến nghề nuôi ong, dần dần được bạn chỉ cho cách nuôi, cho ong sinh sản để nhân đàn, tôi cũng học được một chút kinh nghiệm. Sau 3 năm làm thuê, tôi trở về quê tính chuyện đồng ruộng. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện đưa ong về quê nuôi vì lúc ấy con ong vẫn còn xa lạ với người dân Hồng Phong”.

Trở về quê, ông Thoan nhận thấy điều kiện vùng đất bãi rất phù hợp để nuôi ong vì bốn mùa đều có nguồn thức ăn dồi dào. Bắt tay vào nuôi ong lấy mật, ông vừa vận dụng những kinh nghiệm mình đã học được, vừa tham khảo sách báo để có thêm kiến thức. Từ 7 thùng ong ban đầu đến nay gia đình ông đã có hơn 100 thùng ong lấy mật và lấy giống. Theo ông Thoan, ong thường cho mật từ đầu năm đến hết tháng 6, đây cũng là lúc hoa màu của bà con trên bãi vào mùa thu hoạch nên nguồn thức ăn rất dồi dào. Sau thời gian thu hoạch mật cũng là lúc ong bắt đầu sinh sản để tách đàn vào mùa thu. Thời gian này có thể làm ong giống bán ra thị trường.

CCB Vũ Văn Thoan cho biết thêm: “Mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường từ 20 đến 25 thùng ong giống với giá từ 800.000 - 850.000 đồng/thùng. Ðể ong thuần, không bỏ đi, người nuôi ong phải chú ý đến việc hạn chế ánh sáng vào ban đêm. Ong thường bị thu hút bởi ánh sáng, nhất là ánh sáng trên các cột đèn điện. Nếu không để ý, số lượng ong trong đàn sẽ giảm sút do bị chết khi chúng bay đến nơi có ánh sáng. Bên cạnh đó, đến mùa phấn hoa khan hiếm, ong thường sử dụng đến mật dự trữ, lúc này chúng ta cần bổ sung cho ong một lượng đường mía nhất định”.

Có gần 15 năm kinh nghiệm nuôi ong, 4 năm bán ong giống, CCB Vũ Văn Thoan luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn ong. Cũng chính vì sự nhiệt tình, giữ chữ tín trong kinh doanh nên người mua ong giống, mật ong tìm đến ông ngày một đông. Số lượng mật ong làm ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó, tính theo giá thị trường hiện nay mỗi lít mật ong có giá từ 150.000 - 180.000 đồng. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về gần 50 triệu đồng từ mật ong và ong giống.

Mặc dù tuổi cao, các con đều có gia đình riêng nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, CCB Vũ Văn Thoan vẫn luôn nỗ lực phấn đấu trên mảnh đất quê hương. Ngoài nuôi ong, trên diện tích 150m2 đất vườn, ông còn kết hợp trồng dâu, nuôi tằm. Mới đây, ông đầu tư 20 đôi bồ câu Pháp nuôi theo mô hình bán công nghiệp. CCB Vũ Văn Thoan cho biết: “Trong thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng đàn ong mật, đặt nhờ tại một số hộ gia đình trong xã. Ðồng thời hỗ trợ con giống, vốn cho một số hộ gia đình CCB trong xã để giúp nhau phát triển kinh tế. Theo suy nghĩ của tôi, gia đình no đủ thì quê hương mới đẹp giàu, quê hương có đẹp giàu thì đất nước mới mạnh”.

Tất Ðạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày