Thứ 6, 22/11/2024, 11:40[GMT+7]

Hậu phương người lính Hai số phận, một hoàn cảnh

Thứ 2, 28/07/2014 | 08:59:40
2,145 lượt xem
Ngày tiễn đưa các anh về với quê hương, trời Hà Nội mưa như trút nước, những giọt nước mắt của người thân, người đến tiễn đưa hòa vào những hạt mưa xót xa. Các anh đã về với đất mẹ ngàn năm, những người chiến sĩ đã giữ trọn tấm lòng trung với Tổ quốc, sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hắc bên những kỷ vật của Thượng úy Nguyễn Văn Hưng.

Chiến công sau sự hy sinh
Vậy là đã hơn 20 ngày Thượng úy Nguyễn Văn Hưng của Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trở về với đất mẹ Hưng Hà. Đến thắp cho anh nén nhang, căn nhà nghi ngút khói hương, tiếng kinh cầu vang vọng trong không gian tĩnh lặng càng làm không khí trở nên trang nghiêm hơn. Từ ngày đứa con trai duy nhất hy sinh khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù, bà Thái Thị Tuyến, mẹ Thượng úy Nguyễn Văn Hưng không còn nước mắt để khóc con nữa. Đôi mắt trũng sâu sau những ngày mất ngủ đăm chiêu nhìn di ảnh của con, bà Tuyến cố nén cảm xúc. Hình ảnh của Hưng như vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong sự thương nhớ của người mẹ đang từng ngày héo mòn trước nỗi đau ập đến với gia đình mình.

Bà Thái Thị Tuyến chia sẻ: Hưng là con trai thứ hai, nó còn một chị gái và em gái. Mấy ngày trước khi bị nạn, nó thường xuyên gọi điện thoại về cho gia đình, hỏi xem bố mẹ đã cấy xong chưa. Nó có nói mấy ngày nữa kết thúc đợt huấn luyện thì về thăm gia đình. Tối hôm trước, nó còn gọi điện về động viên tôi và ông nhà tôi chú ý đến sức khỏe, chị và em đi làm xa nhỡ ốm thì khổ. Tôi cũng chỉ biết động viên con yên tâm công tác, ở nhà bố mẹ cấy xong rồi. Tôi không ngờ cuộc điện thoại con gọi về tối hôm ấy lại là lần cuối cùng tôi được trò chuyện với con. Nó hứa sẽ về thăm tôi, vậy mà ngày con về thì mẹ còn được nhìn thấy con nữa đâu - dứt câu, bà Tuyến bưng mặt nức nở. Chúng tôi cũng không thể kìm nổi nước mắt.

Buổi sáng hôm chiếc máy bay MI 171 chở 21 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có con trai mình luyện tập nhảy dù, bà Tuyến đau đầu dữ dội, uống vội mấy viên thuốc giảm đau, bà lên giường nằm nghỉ. Gần 12 giờ trưa thì bố vợ của Hưng trên Hà Nội báo tin con trai  bà tử nạn trong khi huấn luyện. Ông Nguyễn Văn Hắc, bố Thượng úy Nguyễn Văn Hưng nhớ lại: Trưa hôm đó, tôi đang chuẩn bị bữa cơm thì thấy bà nhà tôi hét lên thất thanh, khi tôi chạy lên thì bà ấy gào khóc, nằm vật dưới nền nhà. Biết có chuyện chẳng lành, tôi vội cầm điện thoại nghe ông thông gia điện về. Nghe tin dữ con vừa gặp nạn, tôi cũng rụng rời chân tay. Hai vợ chồng chỉ biết gào khóc thôi. Hàng xóm thấy vậy chạy sang hỏi thăm tình hình. Đến quá trưa thì tin máy bay gặp nạn được công bố, bà con chòm xóm biết tin đều sang chia buồn và động viên gia đình. Tôi cố giữ bình tĩnh để bắt xe lên Hà Nội, tìm đến nơi con và đồng đội gặp nạn.

Có lẽ đến bây giờ, ông Hắc vẫn chưa thể quên những giây phút có mặt tại nơi con và đồng đội ngã xuống. Số phận đã không cho họ được sống những tháng ngày hạnh phúc cùng gia đình, vợ con nhưng trước khi gặp nạn, những chiến sĩ quả cảm trên chuyến bay định mệnh ngày hôm đó đã cứu hàng trăm người dân xã Yên Bình. Theo thông tin giải mã từ Trung tâm huấn luyện cứu hộ hàng không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân thì chiếc máy bay MI 171 gặp sự cố đúng vào thời điểm lấy độ cao. Tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay vòng qua bên phải để rơi vào khu đất trống. Còn theo đúng hướng bay, có thể máy bay MI 171 sẽ rơi vào khu vực chợ dân sinh của xã Yên Bình.

Niềm tin gửi lại
Đặt bộ quân phục của con trai trong lòng, đôi bàn tay chai sạn của người mẹ bất hạnh cứ vuốt ve tà áo như nựng đứa con mới lọt lòng. Vừa khóc nấc nghẹn ngào nhìn bộ quân phục của con trai, bà Tuyến vừa nhắc đến câu chuyện dang dở của cuộc đời con trai và con dâu. Trong mắt bố mẹ, bạn bè và đồng nghiệp, Hưng là người thẳng thắn, cởi mở, vui tính và hiền lành. Mới cưới vợ được 4 tháng, Hưng chưa được tận hưởng cảm giác đợi chờ đứa con đầu lòng chào đời, anh đã vội vàng ra đi.

Bà Tuyến tâm sự: Tôi thương thằng Hưng một thì tôi thương cái Lan (chị Đàm Thị Thu Lan, vợ Thượng úy Nguyễn Văn Hưng) mười. Khổ thân con dâu tôi, lấy chồng được 4 tháng, mới 25 tuổi đầu, đang mang trong mình giọt máu của thằng Hưng mà đã phải chịu phận góa chồng. Rồi sau này cuộc đời con dâu tôi sẽ ra sao, tội nghiệp cháu tôi, chưa sinh ra mà đã phải chịu tang bố rồi. Ngày đưa chồng về quê an táng, Lan ngất lịm trong vòng tay của người thân. Có ai ngờ đâu, mấy ngày trước đó, Lan đã chuẩn bị quà để cùng chồng về quê. Cũng là về quê đấy nhưng sao chua xót và đau lòng đến thế!

Thương con dâu bụng mang dạ chửa, niềm động viên an ủi duy nhất với gia đình ông Hắc chính là đứa cháu còn trong bụng mẹ. Ông bà Hắc động viên nhau gắng gượng, nén nỗi đau để cùng Nhà nước lo hậu sự cho con. Từ lúc thi hài Thượng úy Nguyễn Văn Hưng về đến quê nhà, nước mắt của bà Tuyến cũng chảy ngược vào trong để động viên con dâu trước nỗi đau buồn. Bà Tuyến thở dài: Trước mặt con dâu, tôi không dám khóc bởi nếu tôi không cứng rắn, không kìm nước mắt thì tôi an ủi con dâu tôi thế nào đây. Tôi bảo với con dâu không được khóc, người mất đi rồi sao còn sống lại được, phải lo cho người còn sống, cốt nhục của thằng Hưng nữa.

Mong có một điều kỳ diệu 
Cùng tham gia huấn luyện nhảy dù trên chiếc MI 171 sáng ngày 7/7 định mệnh còn có một người con của quê hương Thái Bình. Anh là một trong hai người may mắn sống sót sau vụ tai nạn. Đó là Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, Chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Hiện anh đang được điều trị tích cực tại Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.

Chúng tôi có mặt tại gia đình Trung úy Nguyễn Hoàng Anh tại thôn Minh Đức, xã Lô Giang (Đông Hưng). Được gia đình thông báo, tình trạng sức khỏe của anh đang tiến triển theo hướng tích cực, tuy nhiên anh vẫn đang điều trị trong phòng vô trùng nên người thân chưa được vào thăm. Tiếp chúng tôi tại nhà là bà Nguyễn Thị Nhị, mẹ của Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, đôi mắt của bà đã thâm quầng vì mất ăn, mất ngủ. Từ khi nghe tin con trai bị thương nặng trong vụ tai nạn máy bay, lòng người mẹ nóng như lửa đốt. Bà Nhị chia sẻ: “Hôm nghe tin nó gặp nạn, tôi và vợ nó đang đi cấy ngoài đồng, lúc đó người ta bảo máy bay đang huấn luyện thì rơi, có nhiều người thương vong lắm. Nghe thấy vậy tôi chạy về nhà, vừa chạy vừa khóc. Ông nhà tôi, ông thông gia và vợ con nó cấp tốc lên Hà Nội ngay trưa hôm đó. Mấy ngày nay, ông nhà tôi điện về thông báo cho gia đình biết thông tin về con, ông ấy cũng động viên tôi cứ yên tâm, con nó vẫn ổn. Tôi biết là ông ấy động viên vậy chứ nó bị bỏng hơn 50% thì đau đớn lắm” - bà Nhị cầm vội chiếc khăn lau nước mắt.

Trung úy Nguyễn Hoàng Anh là con trai cả trong gia đình, anh lấy vợ được 6 năm, có một con gái. Vợ anh là chị Bùi Thị Ngọc, 32 tuổi ở nhà làm ruộng. Hoàn cảnh gia đình của vợ chồng anh Anh còn khó khăn, vất vả. Hai người vẫn ở cùng bố mẹ, kinh tế chủ yếu dựa vào vài sào ruộng và lương của anh. “Mới nửa tháng trước, nó còn về thăm vợ con rồi tính chuyện vay mượn thêm anh em họ hàng để xây nhà. Vậy mà bây giờ thì con tôi lại ra nông nỗi này. Khó khăn chồng chất khó khăn, vợ nó biết xoay sở ra sao” - bà Nhị tâm sự.

Dù hai số phận khác nhau, một người đã hy sinh và một người đang vật lộn với sự đau đớn để giành giật sự sống nhưng họ đều có chung một hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Những ước mơ vẫn còn dang dở, nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, những người thân đều đang rất cần sự chia sẻ, chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Tất Đạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày