Thứ 6, 17/05/2024, 17:29[GMT+7]

Thành công không đợi tuổi

Thứ 4, 30/07/2014 | 08:15:10
1,479 lượt xem
Mô hình sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp của gia đình anh Dương Quý Tân, sinh năm 1993 (thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, Quỳnh Phụ) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp người nông dân bớt đi những vất vả, nhọc nhằn.

Khu gieo mạ để cấy bằng máy của gia đình Dương Quý Tân, đoàn viên thôn Tiên Cầu (xã Quỳnh Trang, Quỳnh Phụ).

Giữa cái nắng chói chang của ngày hè, chúng tôi tìm về nhà Dương Quý Tân (thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, Quỳnh Phụ). Hỏi thăm đường, người dân chỉ dẫn rất nhiệt tình nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ là những lời giới thiệu, lời khen của họ dành cho anh, mặc dù chúng tôi chưa giới thiệu gì về mình và mục đích của chuyến thăm này.

Sinh năm 1993, lớn lên trong gia đình thuần nông nên “những ước mơ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo luôn cháy bỏng trong tôi với mong muốn thay đổi cuộc sống bản thân, gia đình trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra” - Tân trầm tư kể về ước mơ của một thời. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tân đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Những ngày trong quân ngũ càng tôi luyện thêm ý chí, nghị lực của chàng trai trẻ đã quen với công việc lam lũ hàng ngày. Tân luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Tân bàn với gia đình thầu khoán thêm ruộng, đầu tư 800 triệu đồng (huy động của gia đình, vay ngân hàng, người thân) mua 2 máy làm đất đa năng, 1 máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy gặt phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình và làm dịch vụ cho gia đình, cho bà con nông dân. Tân cho biết: Dịch vụ không chỉ phục vụ cho bà con xung quanh mà còn nhận được “đơn đặt hàng” từ nhân dân các huyện: Đông Hưng, Tiền Hải, Kiến Xương… Thậm chí, khi ở quê chưa có việc hoặc hết việc, Tân đưa máy móc đi phục vụ bà con nông dân các tỉnh duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long. Với mức thu từ 140.000 - 220.000 đồng/sào ruộng tùy thuộc vào gặt, cấy hay cày và thu từ trồng hoa màu, cấy lúa, doanh thu năm đầu tiên của gia đình Tân khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Riêng với máy cấy, gia đình Tân mua đúng loại thóc giống mà người dân yêu cầu, gieo mạ trên khay bảo đảm mạ sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ đầu tiên, gia đình Tân dành khoảng 1 sào đất xây dựng nhà kính để gieo mạ và ươm các loại cây giống.

Cùng 2 thanh niên lái máy cày về nghỉ, ông Dương Công Động, bố của Dương Quý Tân, vừa lau mồ hôi vừa nói với chúng tôi: Làm dịch vụ với bao khó khăn do kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, thêm vào đó ở địa phương cũng ít người làm dịch vụ này nên tâm lý bà con ngần ngại chưa tin tưởng về mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng chúng tôi, đặc biệt là sự quyết tâm của Tân cũng như sự quan tâm, động viên của Đảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể, Đoàn Thanh niên xã, gia đình chúng tôi đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn và bước đầu có được thành công. Mẹ của Tân, bà Nguyễn Thì Miên tâm sự: “Gia đình muốn Tân đi học ngành nghề chuyên môn để không phải vất vả như bố mẹ nhưng Tân không chịu và khẳng định rằng cũng đồng ruộng nhưng với sự trợ giúp của máy móc, khoa học công nghệ những người nông dân sẽ không còn vất vả như trước nữa”.

Mô hình sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp của gia đình Tân còn tạo việc làm cho từ 10 - 20 lao động thời vụ tại địa phương. Ngoài ra, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng rau màu tập trung của gia đình Tân, nhiều hộ khác đã làm theo và hình thành vùng sản xuất tập trung, cánh đồng chuyên canh tại khu vực Mười Tấn, thôn Tiên Cầu với công thức luân canh cây trồng hợp lý, nhiều vụ/năm, giá trị sản xuất đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Mô hình của gia đình Tân cũng khẳng định, nếu mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu ra nông sản ổn định sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, thanh niên nông thôn nói riêng, người nông dân nói chung hoàn toàn có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

Phương Chi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày