Thứ 6, 22/11/2024, 12:27[GMT+7]

Người xuất khẩu hương tăm sang đất Phật

Thứ 6, 22/08/2014 | 08:31:56
7,511 lượt xem
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng hương tăm của một số nước theo đạo Phật rất lớn nên chị Trần Thị Hoan (thôn Luật Nội Đông, xã Quang Lịch, Kiến Xương) đã quyết tâm dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu và đưa nghề sản xuất hương tăm xuất khẩu về làng. Từ một người nông dân nghèo khó đến nay chị đã trở thành chủ của một cơ sở sản xuất hương tăm xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người /tháng.

Chị Trần Thị Hoan kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu.

Khoảng 4 năm trở lại đây, do nắm bắt được nhu cầu sử dụng hương tăm của một số nước theo đạo Phật rất lớn nên chị Trần Thị Hoan (thôn Luật Nội Đông, xã Quang Lịch, Kiến Xương) đã quyết tâm dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu và đưa nghề sản xuất hương tăm xuất khẩu về làng. Từ một người nông dân nghèo khó, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng nhờ sự nhanh nhạy về thị trường, cần cù, chịu khó, đến nay chị đã trở thành chủ của một cơ sở sản xuất hương tăm xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người /tháng.

Qua cuộc trò chuyện với chị, chúng tôi được biết: Trước kia, cũng như bao gia đình khác trong xã thu nhập của gia đình chị không ổn định vì quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp thế nhưng trong suy nghĩ chị luôn khát khao tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người nông dân lúc nông nhàn. Suy nghĩ đó đã thôi thúc chị tìm tòi, học hỏi những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài tỉnh. Qua bạn bè, người thân giới thiệu, chị biết đến nghề làm hương tăm xuất khẩu.

Đầu năm 2010, sau khi tham quan một số mô hình làm hương tăm xuất khẩu tại Hải Dương và Hưng Yên, chị cùng với gia đình quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc và mở cơ sở sản xuất hương tăm ngay tại địa phương. Trước khi mở xưởng, chị tổ chức cho 10 chị em là hội viên Chi hội Phụ nữ thôn đi học hỏi kinh nghiệm tại các xưởng sản xuất ở Hải Dương và Hưng Yên. Khi mới bắt tay vào sản xuất, xưởng của gia đình chị cũng gặp phải không ít khó khăn do kinh nghiệm và tay nghề của thợ còn chưa cao, sản phẩm làm ra mẫu mã kém, không đạt chất lượng bị một số công ty đặt hàng trả lại, yêu cầu nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Trước tình trạng đó, chị đã thuyết phục các chủ xưởng sản xuất hương tăm ở Hưng Yên cho thuê một số công nhân lành nghề giúp đỡ về kỹ thuật và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay xưởng sản xuất của gia đình chị đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng xưởng của gia đình chị xuất khẩu từ 12 - 15 tấn hương tăm sang thị trường Ấn Độ và một số nước khác, sau khi trừ các chi phí còn thu lãi khoảng 30 - 35 triệu đồng.

Đang nhanh tay thoăn thoắt cùng với một số chị em khác đóng những thùng hương tăm cuối cùng để kịp thời gian cho chuyến xuất hàng, chị Nguyễn Thị Hải (thôn Luật Nội Đông, xã Quang Lịch, Kiến Xương) cho biết: Tôi đã gắn bó với cơ sở sản xuất hương tăm ngay từ những ngày đầu mới thành lập; làm hương tăm xuất khẩu khá đơn giản, học nhanh, dễ làm nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, chịu khó. Hiện nay, khi đã quen việc, bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Nghề sản xuất hương tăm cho lợi nhuận không cao nhưng có ưu điểm là công nghệ sản xuất không quá phức tạp, người già, phụ nữ đều có thể làm được, điều đó tạo cơ hội cho lao động nông nhàn có việc làm, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ngoài việc làm ở xưởng, chị còn có thời gian chăm sóc con cái, trồng trọt và chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Khi được hỏi về kinh nghiệm làm hương tăm xuất khẩu, chị Trần Thị Hoan không ngần ngại chia sẻ: Làm hương tăm tuy không khó nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người thợ. Nguyên liệu làm hương tăm chỉ là bột cây keo, mạt cưa, bột áo nhưng phải hòa trộn tỷ lệ sao cho cân đối, phù hợp. Bởi thế, trong quá trình làm hương trộn bột là khâu khó nhất, đòi hỏi người thợ phải đều tay cho nước thấm từ từ đến khi bột đạt được độ dẻo. Kỹ thuật tạo dẻo còn liên quan đến tỷ lệ sản phẩm hư hỏng trong quá trình bắn hương, vì nếu độ ẩm cao, bột hương sẽ nhão khi bắn khó bảo đảm độ bóng mịn và que hương không tròn. Nếu không đủ dẻo thì bột hương sẽ bám vào que không đều, sản phẩm sẽ không bảo đảm chất lượng. Muốn sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu thì khi sấy hoặc phơi phải thực hiện ở điều kiện nhiệt độ phù hợp để sản phẩm không bị khô nhanh, tránh rạn nứt. Đặc biệt, nếu thời tiết xấu thì phải sấy trong lò do đó việc thiết kế lò bảo đảm công suất, nhiệt độ cũng cần được quan tâm.

Hiện nay, mô hình sản xuất hương tăm xuất khẩu của gia đình chị Hoan đang là điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người dân trong tỉnh. Với tâm niệm đã giúp là giúp đến cùng, chị Hoan luôn sẵn sàng liên lạc tìm đầu ra cho sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm cho những cơ sở sản xuất mới... Trong thời gian tới, chị tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Lê Anh Thắng - 6 năm trước

Bên mình cần tìm nhà cung cấp hương. Liên hệ với mình qua mail: lethangmit@gmail.com hoặc sdt: 0929443769

Lê văn sinh - 7 năm trước

em tìm người thu mua hương xuất khẩu Ấn Độ

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày