Thứ 6, 17/05/2024, 18:14[GMT+7]

Những nhà nông triệu phú

Thứ 2, 25/08/2014 | 09:05:06
2,764 lượt xem
Dù mỗi người có một hướng đi, cách làm và hiệu quả kinh tế khác nhau nhưng họ - những hội viên nông dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) đều có một điểm chung đó là những nhà nông chân chất, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu và trở thành triệu phú ngay trên mảnh đất quê hương.

Kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia trại của anh Hà Văn Diệp (thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ) thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Nhà máy chế biến lương thực thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Doanh Đạt ở Cụm công nghiệp Đập Neo (xã Đồng Tiến) là một trong những mô hình điển hình do hội viên nông dân làm chủ. Anh Nguyễn Ngọc Doanh, chủ nhà máy cho biết: Năm 1994, anh mở cơ sở sản xuất với diện tích 200m2 và đầu tư mua hệ thống máy xay xát gạo liên hoàn, chuyên thu mua thóc của bà con trong vùng về xay xát, chế biến rồi xuất đi các nơi. Công việc làm ăn thuận lợi và ngày càng phát triển.

Nhận thấy cơ sở chật hẹp, cần phải mở rộng thêm để phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh, năm 2007 anh làm đơn và được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đấu thầu mảnh đất 9.500m2 để mở nhà máy chế biến lương thực. Từ vốn tự có và vay ngân hàng 3 tỷ đồng, anh đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị dây chuyền xay xát hiện đại với công suất 4 tấn/giờ. Sản phẩm của nhà máy luôn bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên thị trường ngày càng mở rộng. Hiện nhà máy thu mua và chế biến 35 tấn sản phẩm/ngày, phân phối cho các đại lý trong toàn quốc, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng, tổng doanh thu mỗi năm đạt gần 90 tỷ đồng. Định hướng trong thời gian tới, anh Doanh cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống dây chuyền xay xát trị giá hơn 1 tỷ đồng, nâng công suất gấp đôi hiện tại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thu hút thêm nhiều lao động địa phương.

Nhà máy chế biến lương thực của anh Nguyễn Ngọc Doanh đạt tổng doanh thu gần 90 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng thực hiện ước mơ làm giàu trên quê hương, anh Hà Duy Tầm (thôn Cổ Đẳng) là một trong những hội viên nông dân đầu tiên của xã Đồng Tiến lai tạo thành công giống hòe cao sản, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng hòe – đinh lăng. Năm 1995, anh Tầm bắt đầu đưa giống hòe thương phẩm vào trồng tại diện tích đất vườn của gia đình nhưng sản lượng thu hoạch chưa cao. Với bản chất cần cù, chịu khó của người nông dân, anh tích cực nghiên cứu, học hỏi, tìm cách ghép giữa các giống hòe khác nhau và đã lai tạo thành công giống hòe cao sản, mỗi chùm bông đầu cành cho thu hoạch 0,3kg hoa tươi.

Cuối năm 2012, anh mạnh dạn làm đơn xin đấu thầu  10.000m2 tại vùng chuyển đổi của địa phương, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, đưa giống hòe cao sản vào trồng đại trà đồng thời tiếp tục trồng cây hòe giống cung cấp cho bà con ở địa phương khác. Với hơn 1 mẫu diện tích mặt nước, anh nuôi cá trắm giống. Tận dụng triệt để quỹ đất, anh tiếp tục nghiên cứu và đưa giống cây đinh lăng vào trồng xen kẽ giữa các gốc hòe, vì đinh lăng là cây dược liệu ưa bóng râm, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia trại của anh trồng được 6 vạn cây hòe (trong đó 1.000 cây đang cho thu hoạch, còn lại là cây hòe giống) và 900 cây đinh lăng, trừ các chi phí còn thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 16 lao động với thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/ngày.

Thành công từ lai tạo giống hòe cao sản và hiệu quả từ mô hình trồng hòe – đinh lăng, gia trại của anh Tầm đã thu hút được rất nhiều người dân các tỉnh về tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống. Anh còn được nhiều địa phương mời đến nói chuyện, tư vấn cách trồng và chăm sóc cây hòe, đinh lăng. Từ đầu năm 2014 đến nay, anh đã đến 117 xã trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm với bà con.

Biết tận dụng thế mạnh của địa phương và khai thác tiềm năng đất đai, gia đình anh Hà Văn Diệp (thôn Cổ Đẳng) cũng thành công từ phát triển kinh tế gia đình theo mô hình gia trại tổng hợp. Năm 2009, anh xây dựng gia trại với diện tích 7.000m2, đưa giống hòe cao sản vào trồng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi anh đem bón cho cây hòe, nhờ đó cây hòe sinh trưởng, phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch bông và cây liên tục ra hoa thành nhiều đợt, cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, gia trại của gia đình  anh cũng là địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp cây hòe giống có chất lượng cho nhiều bà con trong và ngoài tỉnh. Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, gia trại thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Đồng chí Phạm Châu Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tiến cho biết: Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được hội viên tích cực hưởng ứng và đạt kết quả tốt. Trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do nông dân làm chủ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Toàn xã có 24 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các ngành nghề chế biến lương thực, may mặc, điện dân dụng..., hơn 200 trang trại, gia trại cho thu nhập cao, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động nông thôn với mức thu nhập ổn định. Những kết quả đạt được đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đời sống người dân được cải thiện, có thêm điều kiện tập trung các nguồn lực xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày