Thứ 6, 17/05/2024, 18:15[GMT+7]

Thương binh Trần Mạnh Báo Nỗ lực không mệt mỏi cùng nông dân xây dựng mùa vàng

Thứ 6, 05/09/2014 | 08:28:29
1,442 lượt xem
Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng niềm đam mê với hạt thóc, cây lúa vẫn cháy bỏng trong ông, thôi thúc ông không ngừng, luôn tìm tòi nghiên cứu, chọn tạo các loại giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng giúp bà con nông dân có những mùa vụ bội thu. Đó là thương binh Trần Mạnh Báo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) người đã chèo lái đưa TSC trở thành một trong những công ty cung ứng giống cây trồ

Ông Trần Mạnh Báo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TSC (đứng thứ ba từ trái sang) giới thiệu giống lúa ĐH18 của TSC với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.

Sinh ra trên mảnh đất chua mặn xã Thái Thượng (Thái Thụy), từng chứng kiến cảnh nông dân thiếu thóc gạo, phải chạy ăn từng bữa, cái đói nghèo của người dân đã ám ảnh ông Trần Mạnh Báo ngay từ nhỏ. Ngay sau khi rời quân ngũ với thương tật trên người, sự đói nghèo của người nông dân xưa kia lại hiện về trong tâm trí ông, điều đó đã thôi thúc ông phải làm gì đó để góp phần giúp người nông dân được ăn no, tiến tới làm giàu. Sinh ra ở quê lúa, xuất ngũ trở về với quê lúa nên ông Trần Mạnh Báo quyết định rất nhanh, đó là phải làm cho đồng ruộng quê hương gặt hái những mùa vàng. Để làm được điều này ông đã xác định phải có kiến thức, tìm tòi nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật thì mới làm thay đổi các giống lúa truyền thống năng suất, chất lượng thấp thay vào đó là các giống lúa năng suất, chất lượng cao.

Người lính năm xưa bắt đầu lao vào đèn sách, với tấm bằng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp trở về thực hiện ước mơ của mình. Năm 1987, ông Trần Mạnh Báo công tác tại Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ, huyện Tiền Hải, đây là cơ hội để thực hiện hoài bão giúp nông dân có đời sống ấm no. Thực tế đã chứng minh, từ những sáng kiến về khoán sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu giống lúa của ông mà đồng ruộng đã tăng sản lượng từ 20 - 30% so với trước đó. Trải qua những ngày tháng gian khó, ngày đêm lăn lộn với cây lúa với mục đích xây dựng thành công thương hiệu lúa giống Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo đã làm được điều đó. Năm 1994, ông chuyển về công tác tại Công ty Giống cây trồng Thái Bình, tại đây những kiến thức học được từ trường lớp, từ những kinh nghiệm thực tế ở Trại giống lúa cấp 1 Đông Cơ đã giúp ông xây dựng được thương hiệu TSC như ngày nay.

Ông tâm sự: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, TSC đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, liên tục phát triển là do TSC luôn đi đầu trong quá trình đổi mới. Điển hình như đi đầu trong quá trình thực hiện đổi mới doanh nghiệp quốc doanh bằng đề án “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động”; xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, tổ chức hệ thống bán lẻ giống cây trồng đến tận tay người nông dân; là đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam xây dựng thương hiệu doanh nghiệp; thực hiện hợp tác quốc tế để chuyển giao giống lúa mới... Ngoài ra, TSC còn đi đầu thực hiện thành công chương trình liên kết 4 nhà và tiêu thụ nông sản cho nông dân tại Thái Bình, mỗi năm đem lại cho bà con nông dân giá trị hàng chục tỷ đồng từ việc liên kết sản xuất lúa giống. Các sản phẩm giống cây trồng của TSC đều được thực hiện trên nền cơ sở vật chất nghiên cứu, chọn tạo khảo nghiệm, sản xuất, chế biến hạt giống hiện đại nhất Việt Nam. Mỗi năm TSC đã chọn tạo, khảo nghiệm hàng trăm giống lúa các loại để chọn lọc đưa ra sản xuất đại trà, giúp nông dân tăng năng suất, giá trị cây trồng.

Còn nhớ ở vụ xuân vừa qua, khi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đi thăm các giống lúa mới của TSC tại Trung tâm Nghiên cứu sản phẩm mới, ông Trần Mạnh Báo đã giới thiệu những ưu việt của từng giống lúa và được Thứ trưởng đánh giá cao. Điển hình như giống lúa thuần TBR225 do TSC chọn tạo, được công nhận sản xuất từ năm 2013, có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh khá, thích ứng với điều kiện ngoại cảnh tốt, năng suất trung bình đạt từ 70 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 85 - 90 tạ/ha. Hay như giống lúa ĐH18 trỗ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, năng suất trung bình đạt từ 75 - 80 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 100 - 110 tạ/ha. Hiện nay TSC có nhiều giống lúa độc quyền được tiêu thụ hầu khắp cả nước, được nông dân tin dùng như giống lúa TBR-1, BC15, TBR45, TBR36, TBR225... Dự kiến trong thời gian tới TSC sẽ đưa ra nhiều sản phẩm có tính vượt trội, bước đầu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao.

Ông Trần Mạnh Báo cho biết: Cá nhân tôi và tập thể cán bộ, công nhân TSC có được thành công như ngày hôm nay, phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Hiện nay TSC có 106 đảng viên trong tổng số 310 lao động; tất cả mọi chủ trương, kế hoạch... để phát triển TSC đều được thông qua Đảng ủy trước. TSC thực hiện rất rõ ràng đó là Đảng bộ lãnh đạo, Hội đồng quản trị quản lý, Tổng giám đốc điều hành, do đó đã phát huy được sự đoàn kết để thực hiện chiến lược phát triển của TSC có hiệu quả.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày