Thứ 6, 17/05/2024, 17:08[GMT+7]

Lão họa sĩ và con Lân

Chủ nhật, 07/09/2014 | 15:10:25
2,605 lượt xem
Vào mỗi đêm hội trăng rằm, trẻ con được thỏa sức vui chơi cười nói, hò hét và tưởng tượng ra bao nhiêu điều kỳ thú khi tham gia vào đội múa Lân. Những hình ảnh ấy đã mang lại hạnh phúc và khiến người họa sĩ già quyết tâm gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc và gắn bó với nghề làm Lân.

 

Ðam mê làm Lân

 

Năm nay đã bước qua tuổi 80, họa sĩ Nguyễn Tân Chiến (xã Tân Lập, Vũ Thư) vẫn còn tinh tường và điêu luyện với từng nét vẽ. Say mê tạo những mảng màu trang trí cho đầu các con Lân, ông Chiến chia sẻ: Thấm thoắt mà đã 34 năm làm nghề này rồi! Trước đây tôi là giáo viên dạy vẽ của Trường Sư phạm mỹ thuật Nam Hà. Năm 1980, ông xin về nghỉ mất sức và chuyển sang làm nghề vẽ tranh bán, đắp tượng thuê và làm Sư tử, Lân bán mỗi dịp tết Trung thu. Ông Chiến lập gia đình muộn. Sau khi rời giảng đường, ông mới lấy vợ và mấy năm sau mới sinh được đứa con đầu lòng. Chính hoàn cảnh ấy khiến ông yêu con trẻ và xao lòng khi chứng kiến trẻ con chơi múa Lân mỗi dịp tết Trung thu. Ông quyết định làm Lân với 2 mẫu chính là Lân thường và Kỳ Lân. Ông Chiến giải thích: Lân thường là Lân có đầu tròn, giống con Hổ và không có sừng. Thân nó chỉ có một miếng vải đỏ, giữa viết chữ Vương lớn bằng kiểu chữ Nôm. Còn Kỳ Lân là con có một sừng chính giữa đỉnh đầu, màu của thân giống màu của đầu Lân. Cả hai loại này đều dễ sử dụng và được múa nhiều nhất trong các lễ hội, tết...

 

Những chiếc đầu Lân của ông, được làm hoàn toàn bằng giấy và khung tre. Mỗi một đầu con Lân là một hình thù hoa lá, muông thú và các con vật ngộ nghĩnh. Chính vì vậy, những chiếc đầu Lân rất nhẹ, dễ múa và hấp dẫn trẻ con.

 

Phơi khô sản phẩm để chuẩn bị xuất ra thị trường.

 

Vì nguyên liệu làm Lân rất đơn giản, thân thiện với sức khỏe và toàn những thứ có thể xin, mua rẻ (giấy vở học sinh cũ, bìa cát-tông, khung tre, nứa...)nên giá thành mỗi con Lân cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân thôn quê. Ðể có được một con Kỳ Lân, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi thời gian. Từ chiếc khuôn được đắp sẵn, người thợ bắt đầu phất mộc với việc dán 3 đến 4 lớp giấy để tạo hình và đưa khung tre, nứa vào tăng độ cứng. Hồ dán để phất mộc được nấu từ bột sắn dây. Sau đó sản phẩm thô được mang đi phơi nắng cho khô cứng. Tiếp đến là công đoạn sửa cho hình khối được đẹp và cắt tạo miệng Lân, rồi người thợ sẽ dùng các màu vẽ như vàng, xanh, đỏ, trắng, đen để tô điểm cho chiếc đầu Kỳ Lân rực rỡ, thể hiện rõ mắt, miệng, sừng, hình lá và hoa sen cách điệu, những con thỏ, cá chép và nhiều con giống ngộ nghĩnh hấp dẫn trẻ em. Giai đoạn cuối, người thợ sẽ dùng bông để trang trí viền mắt, tai và dùng sợi bao Urê tước nhỏ, tết thành bờm và râu của Kỳ Lân. Mỗi năm ông Chiến sản xuất khoảng hơn 2.000 con Lân và bán hết ngay tại nhà. Một thời ông được người dân Nam Ðịnh phong là “vua Lân thành Namon>”.

 

Mang nghề theo vợ về Thái Bình

 

Sau 14 năm “nổi đình, nổi đám” với nghề sản xuất Lân ở đất thành Namon>, ông Chiến đưa vợ con về sinh sống ở quê vợ (xã Tân Lập, Vũ Thư). Hơn 20 năm qua, vẫn căn nhà cấp 4 ven quốc lộ 10, vợ chồng ông quanh năm bận mải với công việc làm Lân. Ngôi nhà rộng chừng 50m2 vừa là nơi ăn nghỉ, học hành và cũng là xưởng sản xuất, kho lưu hàng lúc nào cũng chật kín những đầu con Lân.

 

Bà Mến, vợ ông Chiến vừa tỉ mỉ chỉnh sửa lại từng chi tiết cho chiếc đầu Lân cực lớn vừa chia sẻ: Mấy năm gần đây, phong trào chơi múa Lân và Sư tử ở các địa phương phát triển mạnh. Nhu cầu mua sắm Lân, Sư của người dân cho trẻ con ngày càng nhiều nên hai vợ chồng làm không đủ. Giờ phải thuê thêm 4 người làm mới tạm đáp ứng nhu cầu của bà con.

 

Mỗi năm, gia đình ông cho ra thị trường khoảng trên dưới 6.000 con Lân và Kỳ Lân. Các đại lý đến nhập hàng vào dịp đầu tháng 7 âm lịch rồi mang đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Ðịnh. Mặt hàng gia đình ông Chiến làm khá đa dạng to, nhỏ khác nhau. Ông Chiến nhớ nhất là con Lân mà ông làm với thời gian dài hơn 1 tuần có giá bán 5 triệu đồng theo đơn đặt hàng của một vị khách. Ðó là một con Kỳ Lân siêu lớn, độc nhất vô nhị ông làm theo đặt hàng của một doanh nhân mang ra nước ngoài. Ông luôn tự hào về điều đó, niềm tự hào của một người nghệ sĩ đã làm hài lòng khách hàng và sản phẩm của mình được chu du tới tận trời Tây.

 

Dẫu niềm đam mê với nghề làm Lân vẫn còn cháy bỏng nhưng vì tuổi cao ông Chiến không thể mãi làm theo nghề được. Một, hai năm gần đây, ông đã chuyển giao kỹ thuật và dạy vẽ cho người anh vợ. Ông cũng định hướng cho con trai hiện đang học Ðại học Kiến trúc sau này cố gắng giữ nghề và thực hiện mong ước: Trò chơi cổ truyền múa Lân mãi mang lại nụ cười và ký ức đẹp về tuổi thơ thiếu nhi Việt Namon>.

Khắc Duẩn

Ðài Truyền thanh Vũ Thư

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày