Thứ 2, 20/05/2024, 09:20[GMT+7]

Nghị lực chiến thắng số phận của ba chị em khiếm thị

Thứ 4, 12/11/2014 | 08:34:54
1,467 lượt xem
Bùi Thị Thơi, Bùi Thị Thêu và Bùi Bá Ngọc là những cái tên khá quen thuộc ở Hội Người mù thành phố Thái Bình. Bằng nghị lực, niềm tin và ý chí, họ đã thắp sáng cho cuộc đời mình và nhiều người khiếm thị khác.

Chị Bùi Thị Thêu có thể sử dụng thành thạo máy vi tính.

Được sinh ra trong cùng một gia đình nhưng chị Thơi, chị Thêu và anh Ngọc kém may mắn hơn so với hai người chị lớn. Họ lần lượt mắc chứng thoái hóa sắc tố võng mạc khi vừa học hết THCS hoặc dở chừng THPT. Mặc dù gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng niềm hy vọng tắt dần theo năm tháng. Căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc đã cướp đi ánh sáng trong đôi mắt họ. Thời gian đầu, cũng giống như những người khiếm thị khác, họ rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm, gò mình trong khoảng không gian bó hẹp. Nhưng tình yêu thương của những người thân cùng quyết tâm vượt lên chính mình đã giúp họ thoát khỏi vỏ bọc khiếm thị. Họ chọn cho mình những cách lập nghiệp riêng. Đến nay, mỗi người đều có công việc ổn định, có gia đình hạnh phúc và tự làm chủ cuộc sống của mình.

Sau khi thử sức ở nhiều ngành nghề, chị Bùi Thị Thơi quyết định gắn bó lâu dài với nghề tẩm quất. Hiện chị đang là chủ cơ sở tẩm quất Vĩnh Thơi (số 26, tổ 43, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình). Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị có khoảng 8 đến 10 khách hàng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Để có được kết quả như hôm nay, chị đã phải vượt qua bao gian nan, thử thách. Không chỉ đối mặt với bóng tối khiếm thị, sức khỏe của chị còn bị suy kiệt bởi căn bệnh ung thư vú. Thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và tinh thần hăng say lao động. Chị đã vượt lên chính mình để có tiền chi trả cho những lần xạ trị ung thư, chăm lo người chồng mắc bệnh khuyết tật thần kinh nhẹ và hai đứa con trong độ tuổi đi học. Căn nhà cũ kỹ xưa nay được thay bằng ngôi nhà hai tầng kiên cố, vững chãi. Thành công của chị là bài học từ sự kiên trì, nỗ lực và không ngừng cố gắng.

Không giống như chị Thơi gắn bó với nghề tẩm quất, chị Bùi Thị Thêu quyết tâm học tập để mở ra con đường mới cho cuộc đời mình sau khi trải qua gian nan, thử thách và làm nhiều nghề kiếm sống như: quay sợi đay, dệt bao tải, sản xuất tăm, bán tăm, làm chổi, giáo viên. Hiện chị đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội Người mù Thành phố. Hơn 20 năm gắn bó, bằng trách nhiệm và sự tâm huyết, người phụ nữ khiếm thị ấy đã xây đắp Hội Người mù Thành phố ngày càng phát triển, trở thành chỗ dựa của hội viên, giúp họ phát huy được khả năng của mình. Thấu hiểu ý nghĩa của việc làm với cuộc sống người khiếm thị, chị đã vượt qua những khó khăn trong việc đi lại đến các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Phòng, Quảng Ninh tìm nguồn hàng và đầu ra cho sản phẩm. Nỗ lực duy trì và phát triển cơ sở sản xuất, dịch vụ tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 hội viên, từng bước chèo lái đưa Hội Người mù Thành phố trở thành đơn vị vững mạnh về mọi mặt. Ghi nhận nỗ lực của chị Thêu, Hội Người mù Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù, Hội Người mù tỉnh, UBND Thành phố trao nhiều giấy khen vì thành tích hoạt động hội cho chị. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị được giao, chị Thêu còn là người vợ, người mẹ đảm đang. Mọi công việc nhà từ cơm ăn, áo mặc đến việc dạy con học bài được chị chăm lo chu đáo. Chị trở thành tấm gương sáng để những người cùng cảnh ngộ noi theo.

So với hai người chị, cậu em út Bùi Bá Ngọc tham gia Hội Người mù Thành phố muộn hơn. Sau khi học tập và làm việc tại Hội, được gặp và giao tiếp với những người đồng cảnh đã giúp Ngọc thay đổi nhận thức và hành động. Từ một người sống e dè, khép kín, Ngọc đã trở nên mạnh dạn, hòa đồng hơn với mọi người. Khát vọng vượt lên bóng tối tật nguyền đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai khiếm thị. Sau 11 năm gắn bó với nghề xoa bóp bấm huyệt, đến nay, anh trở thành Tổ trưởng Tổ dịch vụ tẩm quất cổ truyền và xông hơi tại Hội Người mù Thành phố. Mỗi ngày trung bình, anh có từ 2 - 3 khách hàng, mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu nhập ổn định, anh có thể tự chăm sóc cho chính mình và cùng vợ nuôi con nhỏ.

Không phó mặc hay buông xuôi số phận, bằng chính sức lao động của mình, những thành viên khiếm thị trong gia đình ấy đã tự tạo ra nguồn sáng cho cuộc đời. Họ như bông hoa hướng dương dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn hướng về phía mặt trời, đón ánh nắng vươn lên.

Như Hoàng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày