Chủ nhật, 19/05/2024, 05:00[GMT+7]

Nuôi lợn siêu nạc cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 6, 14/11/2014 | 07:55:59
3,949 lượt xem
Ở tỉnh ta, việc phát triển mô hình trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi hiện đại, bảo đảm an toàn và hiệu quả đang được nhiều người dân quan tâm, đầu tư và áp dụng. Mô hình nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Đỗ Văn Trưởng, thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập (Vũ Thư) là một trong những điển hình như thế. Từ mô hình này, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Trưởng, thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập (Vũ Thư) chăm sóc đàn lợn siêu nạc của gia đình.

Trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, anh Trưởng kể cho chúng tôi nghe quá trình làm ăn của mình với rất nhiều khó khăn, vất vả. Anh tâm sự: Trước khi bén duyên với chăn nuôi, anh chị đã từng bươn trải nhiều nơi, làm rất nhiều nghề từ lao động phổ thông đến làm công nhân tại các khu công nghiệp trong Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống xa nhà, khó khăn, vất vả, thu nhập cũng chả được là bao nên anh chị quyết định trở về quê làm kinh tế. Đầu năm 2008, trở về địa phương, tận dụng diện tích đất đai của gia đình rộng rãi, anh Trưởng đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, mua hơn 30 con lợn siêu nạc về nuôi thử nghiệm. Khi mới bắt tay vào chăn nuôi, gia đình anh cũng như nhiều người chăn nuôi khác đã gặp không ít khó khăn do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Để có kinh nghiệm, anh dành thời gian tìm hiểu các tài liệu, sách báo về kỹ thuật chăn nuôi lợn siêu nạc, đồng thời tích cực tham quan các mô hình chăn nuôi có hiệu quả trong và ngoài xã; tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh.

Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển tốt, lứa sau cho thu nhập cao hơn lứa trước. Trải qua quá trình chăn nuôi, anh nhận thấy đây là hướng đi đúng, cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2011, khi UBND xã Tân Lập có chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi anh đã bàn bạc với gia đình chuyển đổi và đấu thầu 3,5 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình anh đầu tư lắp đặt hệ thống hầm khí biogas và sử dụng các chế phẩm xử lý chất thải; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc-xin để phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn.

Vì vậy, trong các đợt dịch tai xanh bùng phát trên địa bàn, nhiều gia đình bị thua lỗ, nhưng đàn lợn của gia đình anh vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.  Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh thường xuyên duy trì nuôi khoảng 600 con lợn siêu nạc, 70 con lợn nái. Ngoài ra, anh còn dành gần 1,5 mẫu đất đào ao nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè... Tận dụng bờ ao và diện tích xung quanh khu vực chăn nuôi, anh trồng hơn 300 gốc hòe và nhiều cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi bình quân từ 500 - 700 triệu đồng/năm.

Theo anh Trưởng, lợn siêu nạc dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc nuôi lợn truyền thống. Bởi lẽ, giống lợn siêu nạc tăng trọng nhanh hơn, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt tốt nên giá bán luôn cao hơn. Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh, người chăn nuôi luôn phải tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước. Mặt khác, người chăn nuôi phải chủ động trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, bảo đảm vệ sinh chuồng trại. Ngoài việc tiêm phòng vắc-xin, chăm sóc nuôi dưỡng, người chăn nuôi cần chú trọng việc phối và chọn giống. Để tránh phối giống đồng huyết, người chăn nuôi nên ghi chép và theo dõi chi tiết từng con lợn nái… Sau 7 năm bắt tay vào chăn nuôi, đến nay, anh Trưởng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ chăm sóc, phối giống, tách đàn, tiêm vắc-xin và điều trị khi lợn mắc bệnh. Với tổng đàn lợn thịt hiện có và đàn lợn nái đang trong thời kỳ sinh sản, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng khoảng 120 tấn lợn thịt. Các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng về ký hợp đồng mua lợn nên giá bán lúc nào cũng ổn định, không bị ép giá.

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh Trưởng còn là hội viên tích cực của Hội Nông dân xã Tân Lập. Nhiều năm qua, anh luôn đi đầu trong phong trào sản xuất giỏi, tận tình giúp đỡ các hộ nông dân đến học hỏi kinh nghiệm về phát triển chăn nuôi. Trong thời gian tới, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền anh Trưởng được Hội Nông dân huyện Vũ Thư tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày