Thứ 6, 17/05/2024, 15:29[GMT+7]

Thầy giáo xây dựng thương hiệu hoa đào

Thứ 5, 20/11/2014 | 08:10:12
1,311 lượt xem
“Ðào ông Phán” là tên gọi giống đào cảnh do bà con nông dân xã Minh Tân (Ðông Hưng) tự đặt như một sự tri ân đối với thầy giáo Nguyễn Trọng Phán, người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” và đam mê trồng cây cảnh đưa về nhân giống tại địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Phán làm giàu nhờ trồng cây cảnh.

 

Theo nghề giáo viên từ năm 1968, thầy giáo Nguyễn Trọng Phán không biết bao lần được điều động công tác vào Nam, ra Bắc, dìu dắt bao thế hệ học trò. Chính trên những hành trình công tác ở nhiều địa phương đã gieo vào lòng ông niềm đam mê với cây cảnh trước khi trở về Thái Bình dạy học và chuyển sang công tác quản lý với chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng (Hưng Hà). Rất nhiều khuôn viên, vườn cảnh của các trường học trong huyện Hưng Hà được thầy giáo Phán cung cấp cây giống và tự tay thiết kế, cắt tỉa, chăm sóc.

 

Ngoài thực hiện tốt công việc chuyên môn, nhờ có thêm nghề trồng cây cảnh, kinh tế gia đình ông được cải thiện đáng kể. Năm 1989, khi phong trào trồng và chơi hoa đào cảnh trong mỗi dịp tết Nguyên đán còn chưa phát triển, ông Phán đã “phải lòng” loài hoa đẹp này, như ông chia sẻ. Ở địa phương và các vùng lân cận không có cây đào giống, ông phải gom góp tiền, đạp xe lên tận làng đào Nhật Tân (Hà Nội) mua 4 cây đào giống về trồng thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm trồng đào và vào thời điểm đó kỹ thuật chiết, ghép, lai tạo cây giống còn nhiều hạn chế, ông Phán đã phải nhờ người thân ở Lạng Sơn gửi hạt đào quả về để ông gieo và ghép với đào cảnh để nhân giống. Nhờ có niềm đam mê, tìm tòi, nghiên cứu, ông Phán đã rút ngắn thời gian nảy mầm của hạt đào quả từ 7 tháng xuống còn 7 ngày.

 

Sau bao thất bại, ông đã thành công trong việc lai tạo, nhân giống đào cảnh ngay trên mảnh đất quê hương mình. Từ đó, mỗi dịp xuân về, tết đến, người dân xã Minh Tân quen dần với sắc đỏ của hoa đào trên mảnh vườn của gia đình ông, khách trong và ngoài tỉnh tìm về vườn nhà ông mua đào cảnh nhiều hơn. Với mong muốn thúc đẩy phong trào trồng đào cảnh để giúp bà con nông dân địa phương thoát nghèo, ông Phán đã cung cấp cây đào giống và kinh nghiệm chăm sóc cho nhiều gia đình trong và ngoài xã. Xã Minh Tân với điều kiện đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, người dân cần cù trong lao động sản xuất, giờ đây đưa thêm giống đào cảnh vào trồng và nhân rộng đã tạo thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương và giúp cải thiện kinh tế cho nhiều hộ nông dân. Cũng từ đó, với lòng yêu mến người thầy giáo tận tâm với cây đào cảnh, người dân Minh Tân đã đặt tên cho giống đào do ông lai tạo và cung cấp là “đào ông Phán”.

 

Năm 2002, xã có chính sách chuyển đổi 13 mẫu ruộng từ diện tích đất hai vụ lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây khác nhằm tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho người nông dân, ông Phán là người đi đầu vận động nhân dân đưa cây đào ra trồng tại vùng chuyển đổi. Nhờ có sự đầu tư, cải tạo đất cùng công chăm sóc, 13 mẫu ruộng được phủ xanh bởi cây đào cảnh đã cho bà con nông dân thu nhập cao trong mỗi dịp xuân về.

 

Trước hiệu quả kinh tế của cây đào cảnh, người dân có nhu cầu mở rộng diện tích trồng đào, ông Phán lại đề xuất với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phương án đôn ruộng cao, đưa cây đào vào trồng xen với lúa, theo mô hình đào - lúa, vừa bảo đảm ổn định lương thực tại địa phương vừa giúp phát triển diện tích đào cảnh cung cấp cho thị trường. Chính nhờ những sáng kiến của ông, diện tích đào cảnh của xã Minh Tân không ngừng mở rộng, tập trung tại các thôn Ðình Phùng, Hoàng Ðức với diện tích lên đến 25ha. Năm 2010, thầy giáo Nguyễn Trọng Phán nghỉ hưu, với những kinh nghiệm ông tích lũy được trong nhiều năm qua, cộng với niềm đam mê cây cảnh ông đã dành toàn bộ thời gian để đầu tư và phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Hàng năm, gia đình ông trồng 6 sào đào cảnh với hơn 700 cây, ngoài ra ông còn phát triển diện tích cây phát lộc, cây thế tại vườn nhà mình, riêng thu nhập trung bình từ cây đào cảnh đã mang lại cho gia đình ông hơn 70 triệu đồng/năm.

 

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, với nụ cười thường trực trên môi, ông vui vẻ tâm sự: Làm việc gì cũng phải có lòng đam mê mới thành công. Minh chứng cho điều đó, ông đưa cho tôi xem 3 quyển sổ nhật ký dày ghi chép tỉ mỉ về sự sinh trưởng và phát triển của cây đào do ông chăm sóc trong suốt những năm qua. Nhờ phát triển kinh tế sinh vật cảnh, kinh tế gia đình ông Nguyễn Trọng Phán được nâng lên đáng kể.

 

Người thầy giáo sau khi rời bục giảng lại trở về vui thú điền viên, hăng say lao động và giúp nhiều người khác tại địa phương làm giàu từ nghề trồng đào cảnh. Mỗi khi xuân về, tết đến, sắc đào bừng sáng đất Minh Tân, làm khởi sắc thêm đời sống của nhiều hộ dân nơi đây.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày