Chủ nhật, 19/05/2024, 04:56[GMT+7]

Người chiến thắng tật nguyền

Thứ 6, 05/12/2014 | 09:15:32
1,338 lượt xem
Chặng đường đời hơn 30 năm qua chị đã đi bằng những bước chân khó nhọc. Nhưng giờ đây, trên gương mặt chị luôn xuất hiện những nụ cười.

Chị Trần Thị Huyền (xã Tây Đô, Hưng Hà) may quần áo cho khách hàng.

Năm 1979, khi chị Trần Thị Huyền (thôn Kênh, xã Tây Đô, Hưng Hà) 1 tuổi, căn bệnh teo cơ khiến chân phải của chị càng ngày càng bé lại. Bố mẹ đưa chị đến nhiều bệnh viện tìm cách chữa trị nhưng không có kết quả. Mẹ chị kể, năm chị 3 tuổi, ông ngoại thương cháu không đi được, phải bò lê trên sàn nhà nên đã đóng một chiếc xe đẩy để cháu tập đi bằng chân còn lại. Một thời gian sau, chị Huyền bắt đầu biết đi. Những năm học tiểu học, gia đình khó khăn, cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp, nhiều hôm bố và các chị gái phải cõng chị đến trường. Lên cấp 2, những bước đi bằng một chân của chị dường như vững vàng hơn, chị tự đến lớp. Nhà cách trường 3 cây số, đi lại khó khăn nhưng hôm nào chị cũng đi học sớm nhất và trở về muộn nhất. Trời mưa đường trơn, chị phải chống gậy đến trường.

"Ngày còn đi học, tôi được miễn tập thể dục. Ở trong lớp một mình, nhìn ra ngoài sân xem các bạn tập luyện, tôi chỉ ước một lần được chạy nhảy".

Huyền học rất khá, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đến năm lớp 8, vì không muốn là gánh nặng cho gia đình, chị quyết định nghỉ học văn hóa để đi học nghề, tạo dựng cuộc sống. Được sự giới thiệu của người làng có con bị câm điếc đang theo học tại Trường Dạy chữ dạy nghề cho người tàn tật Thái Bình (nay là Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình), nhận thấy nghề may phù hợp với năng lực, sở thích bản thân, chị xin bố mẹ cho đi học. Chia sẻ với chúng tôi, chị Huyền cho biết: “Lúc đó, máy khâu vẫn còn phải đạp chứ chưa có mô tơ điện như bây giờ. Những ngày đầu đi học, chân đạp nhiều thấy rất mỏi song được sự động viên của cô giáo, mình cũng vượt qua”.

Tốt nghiệp loại giỏi, trở về quê, không vốn, không khách hàng, với chiếc máy khâu cũ người chú cho mượn, chị Huyền bắt đầu khởi nghiệp bằng cách nhận cắt may quần áo tại nhà. Nhờ sự khéo léo, cẩn thận, nhanh nhạy với xu hướng thời trang trong nước và sự lạc quan, vui vẻ, hòa đồng trong tính cách, khách hàng đến với cửa hàng của chị Huyền ngày càng đông. Khách của chị không chỉ giới hạn ở phạm vi trong làng, trong xã, rất nhiều người ở các xã khác trong huyện cũng tìm đến. Hiện chị Huyền đã mở được cửa hàng may quần áo, tự trang trải được cuộc sống của bản thân và giúp đỡ gia đình. Năm 2010, trong Hội thi tay nghề giỏi người khuyết tật tỉnh Thái Bình lần thứ 2 do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, chị Huyền đã đạt giải nhì.

Thấu hiểu nỗi khổ của người bị khuyết tật, chị Huyền nhận dạy nghề miễn phí cho một số em cùng cảnh ngộ. Ngoài ra, với chất giọng trong trẻo,  chị Huyền là “cây văn nghệ” của thôn, thường xuyên tham gia trang trí khánh tiết, biểu diễn trong các dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11… Là thành viên Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, chị thường xuyên được lãnh đạo Hội tin tưởng giao nhiệm vụ đi biểu diễn, phục vụ một số hội nghị người khuyết tật của tỉnh và trong nước. Vừa qua, trong Hội thi tiếng hát từ “Những trái tim khát vọng” khu vực phía Bắc tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, tiết mục “Thái Bình quê lúa hát chèo” do chị thể hiện đã giành huy chương bạc và được tham dự hội thi toàn quốc tổ chức tại Hà Nội.

Nói đến người khuyết tật, chúng ta thường hình dung ra những người phải sống phụ thuộc vào người khác. Song trên thực tế có rất nhiều người khuyết tật không đầu hàng số phận, tự vươn lên để khẳng định mình. Chị Trần Thị Huyền là một người như thế. Chúc chị sớm thực hiện được ước mơ mở xưởng may, tạo việc làm, giúp đỡ cho thêm nhiều những người đồng cảnh ngộ.

Vũ Hường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày