Thứ 2, 20/05/2024, 13:27[GMT+7]

Thương binh Ðào Trọng Chiến Còn sức khỏe là còn lao động

Thứ 2, 15/12/2014 | 08:32:40
1,316 lượt xem
Cùng lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thành phố Thái Bình, chúng tôi trở lại thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của cựu chiến binh, thương binh, nạn nhân chất độc da cam Ðào Trọng Chiến ở xã Vũ Ðông (Thành phố) đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2014).

 

Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình ông, các thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng thấy vui lây và trong lòng trào dâng sự cảm mến, khâm phục. Bởi với người bình thường, có sức khỏe tốt mà bền bỉ, dẻo dai giữ vững được sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường đã khó, thế mà thương binh Ðào Trọng Chiến với thương tật 81% và đã mang bệnh ung thư dạ dày gần 6 năm qua lại vươn lên mở rộng sản xuất, kinh doanh với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng thì đáng trân trọng biết bao. Ông tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống cách mạng vẻ vang, năm 1971 tôi nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Sài Gòn - Gia Ðịnh. Năm 1972, trong một trận chiến đấu ác liệt ở mặt trận Tây Ninh, tôi bị thương nặng và được chuyển về điều trị, an dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng ở xã Quang Trung (Kiến Xương). Sau một thời gian an dưỡng, sức khỏe dần hồi phục, tôi được chuyển ngành về làm công nhân Xí nghiệp Giầy da Thái Bình. Khi Xí nghiệp giải thể, tôi trở về quê hương và mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng bên sông Trà Lý, chủ yếu là kinh doanh cát, đá.

 

Ðến nay, qua 16 năm hoạt động, cơ sở đã mở thêm phân xưởng sản xuất, kinh doanh cống bi thoát nước phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất gạch bê tông và kinh doanh đá cảnh với quy mô gấp khoảng 10 lần so với lúc mới thành lập. Riêng sản phẩm gạch bê tông, mỗi tháng cơ sở sản xuất được từ 1 - 1,2 vạn viên. Cựu chiến binh Ðào Trọng Chiến đã đầu tư mua sắm 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông, 2 máy xúc và 3 chiếc ô tô vận tải để chuyên chở vật liệu đến tận chân công trình cho khách hàng. Gần 20 lao động làm việc tại cơ sở được bảo đảm việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi và nhóm thợ đang xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ ngơi của gia đình, ông Chiến vui đùa với tinh thần rất sảng khoái: Mình bị cắt ba phần tư dạ dày rồi, ăn uống hàng ngày chẳng đáng là bao nhưng luôn luôn đề ra mục tiêu: Mỗi năm phải thực hiện và hoàn thành một việc gì đó có ích cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương. Nghĩ thế nào, làm như thế, vợ chồng ông đã nuôi dạy 3 con thành đạt, trong đó có 1 con trai, 1 con gái đang là sĩ quan công an và 1 con trai sau thời gian lao động tại Hàn Quốc đã trở về cùng bố mẹ sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Bà Hà Thị Thủy vợ ông là một phụ nữ giàu nghị lực, hay lam hay làm đã hỗ trợ ông trực tiếp chỉ đạo cơ sở sản xuất từ khi sức khỏe ông giảm sút đến nay. Ông đã được vinh danh là cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên cựu chiến binh gương mẫu bởi đã thường xuyên tích cực tham gia xây dựng tổ chức hội trong sạch vững mạnh; gia đình ông cũng liên tục nhiều năm được công nhận là "Gia đình cựu chiến binh văn hóa tiêu biểu".

 

Luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh, thương binh Ðào Trọng Chiến thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế". Trên mặt trận mới, ông tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh.

 

Tạm biệt cựu chiến binh, thương binh Ðào Trọng Chiến, tôi tâm đắc mãi lời tâm sự của ông: “Ðược vinh dự chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và được trở về quê hương là hạnh phúc lắm rồi. Không thể chỉ đón nhận sự quan tâm của Ðảng, của chính quyền và nhân dân mà phải luôn luôn nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Còn sức khỏe là tôi còn lao động”.

Nguyễn Văn Tìm

Ðài Truyền thanh thành phố

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày