Thứ 6, 22/11/2024, 00:38[GMT+7]

Tâm huyết của người Anh hùng

Thứ 5, 18/12/2014 | 09:00:24
1,255 lượt xem
Ðã nghỉ hưu được 18 năm và bước sang tuổi 77 song Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ðại tá Nguyễn Ðức Hạnh vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, tác phong vẫn giản dị, gần gũi, cởi mở, vẫn tích cực tham gia công tác và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Ðức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin tỉnh trao quà cho nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Phụ.

 

Sinh ra tại xã Vũ Công (Kiến Xương) trong một gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, tháng 3/1959  ông xung phong đi nghĩa vụ quân sự đợt đầu tiên của tỉnh. Sau khi được học lớp hạ sĩ quan rồi sĩ quan, đến năm 1964 ông được đưa về đơn vị đoàn 5 giúp quân khu cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (vùng chiến sự ác liệt nhất của nước bạn Lào) với cương vị chính trị viên đại đội, tham gia chiến đấu nhiều trận  ác liệt. Sau đó ông được giao làm chính trị viên một đội 65 người có tên gọi S3. Khi địch phát hiện có lực lượng cách mạng vào khu căn cứ, chúng cho máy bay đánh phá, thả chất độc hóa học, dùng trực thăng đổ quân càn quét. Trong khi đó lực lượng của ta rất mỏng, vũ khí chỉ có tiêu liên AK, súng B40, B41 nhưng ông vẫn kiên trì chỉ huy đơn vị đánh theo kiểu du kích, đồng thời vận động, tập hợp nhân dân tham gia, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

 

Sau chiến thắng, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ phát triển cơ sở xuống đồng bằng ven Thủ đô Viêng Chăn, xây dựng cơ sở, lực lượng ở nhiều địa phương khác, phối hợp với lực lượng chủ lực chiến đấu, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm hậu thuẫn cho lực lượng của ta tiếp quản và giải phóng Viêng Chăn. Với những thành tích, chiến công xuất sắc, ngày 31/12/1973, ông được Ðảng, Nhà nước tuyên dương và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, ông được điều động về Quân khu 3, về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kiến Xương rồi Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Thời gian này, ông đã đóng góp nhiều kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện. Công tác đến năm 1997 thì ông nghỉ hưu. Tuy nhiên, với bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông tích cực tham gia công tác ở địa phương, nhiệt tình, hăng hái như những ngày còn ở trong quân ngũ, giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, 8 năm liền làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố. Ở cương vị nào ông cũng luôn tâm huyết với công việc, gương mẫu trước nhân dân, sống trung thực, chân thành, được bà con quý mến.

 

Từ năm 2004 đến nay ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin tỉnh. Thấu hiểu sự đau đớn về thể xác và tinh thần, những khó khăn, vất vả của các nạn nhân và gia đình nạn nhân, ông luôn trăn trở mình phải làm gì và làm thế nào để nạn nhân vơi đi nỗi đau, gia đình nạn nhân bớt đi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành Hội tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Hội đã vận động được trên 40 tỷ đồng để phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Ðặc biệt, Hội đã thành lập 3 trung tâm, trong đó có trung tâm tẩy độc, tổ chức tẩy độc cho hơn 1.000 cựu chiến binh là nạn nhân với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Sau tẩy độc, sức khỏe của nhiều nạn nhân đã được cải thiện.

 

Với những thành tích, chiến công của mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ðức Hạnh đã được Ðảng, Nhà nước ta và nước bạn Lào trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Giờ đây, tuổi tuy tuổi đã cao nhưng với tâm huyết và sự nhiệt thành của người lính, ông vẫn từng ngày, từng giờ cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng, mang tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng đến với các nạn nhân chất độc da cam, giúp họ xoa dịu nỗi đau, hết nghèo, hết khổ.

Hồng Văn

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày