Chủ nhật, 24/11/2024, 09:09[GMT+7]

Sức trẻ làm giàu

Thứ 4, 31/12/2014 | 10:41:57
1,903 lượt xem
Thành công trong sự nghiệp tại các thành phố lớn luôn là niềm khát khao và mục tiêu theo đuổi của không ít thanh niên. Song vẫn có nhiều người đi ngược lại với trào lưu ấy khi lập thân, lập nghiệp chính tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Xưởng lắp ráp đèn pin của anh Trần Văn Hưng (xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Không làm thầy thì cũng làm thợ

 

Với quan điểm đó, sau khi tốt nghiệp THPT, học nghề sửa chữa điện tử, đi xuất khẩu lao động 4 năm, mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử tại Hải Phòng, anh Trần Văn Hưng (sinh năm 1984) quyết định về quê (xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) lập nghiệp. Năm 2012, anh thành lập cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết Afamily. Đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, với suy nghĩ nước uống có vai trò thiết yếu nên phải bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn quy định, anh đã đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất nước tinh khiết bằng hệ thống lọc sử dụng màng lọc RO, máy khử Ozon, có thể lọc được 99,9% tạp chất có trong nước. Đây là công nghệ hiện đại, phổ biến trên thế giới hiện nay.

 

Anh Trần Văn Hưng (xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) tại cơ sở sản xuất nước đóng bình của mình.

 

Với nguồn nước khoáng tự nhiên, có vị ngọt mát, khác biệt với các loại nước khác và với ý thức luôn coi trọng việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nước uống đóng bình Afamily đã từng bước xác lập thị trường, tạo dựng thương hiệu và niềm tin với khách hàng. Đến nay, cơ sở của anh Hưng tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Cùng với sản xuất nước tinh khiết đóng bình, anh Hưng vẫn duy trì cửa hàng sửa chữa điện thoại, photocopy.

 

Tháng 7/2014, anh đầu tư mở cơ sở lắp ráp đèn pin tạo việc làm cho 5 lao động tại cơ sở và hàng chục lao động nhận nguyên liệu về lắp ráp tại gia đình với mức thu nhập theo sản phẩm. Mặc dù khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ nhưng với thành công bước đầu, nếu có thêm vốn, anh Hưng dự tính sẽ mở rộng sản xuất và lĩnh vực kinh doanh, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Không chỉ tham gia phát triển kinh tế, anh Hưng còn là một Bí thư Chi đoàn thôn năng động, nhiệt tình với công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

 

Giúp nhau làm giàu

 

Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm là những khó khăn của nhiều thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Để gỡ khó, nhiều cơ sở Đoàn, Hội đã thành lập câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên phát triển kinh tế, thanh niên làm kinh tế giỏi. Việc giúp nhau làm kinh tế của Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế xã Thụy Hải (Thái Thụy) là một trong số đó. Anh Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bí thư Chi đoàn thôn Quang Lang Đông (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) từng là công nhân tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Đại Dương (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy), sau khi nghỉ việc ở Công ty, muốn lập nghiệp tại quê nhưng thiếu vốn đầu tư.

 

Anh Nguyễn Xuân Cường (người ngoài cùng bên phải), xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy kiểm tra nồng độ oxy trong đầm nuôi cá.

 

Nắm được hoàn cảnh của anh, Ban Chấp hành Đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên, Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế xã đã vận động hội viên giúp đỡ vốn và kinh nghiệm để anh đầu tư nuôi cá vược nước lợ. Cuối năm 2012, 6 thành viên trong Câu lạc bộ đã huy động 90 triệu đồng cùng Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên xã nhận đấu thầu diện tích đầm 3.000m2 (đầm khó nuôi trồng thủy sản) để cải tạo thành đầm nuôi cá vược giúp anh Cường. Song song với đó, các thành viên trong Câu lạc bộ còn thường xuyên tới thăm, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ khi anh gặp khó khăn. Dự tính đến cuối năm nay, lứa cá vược nước lợ đầu tiên được thu hoạch, nếu giá cả ổn định, trừ chi phí anh sẽ thu lãi gần 60 triệu đồng.

 

Ông Phạm Văn Thoại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hải cho biết: Dù diện tích nuôi cá chưa lớn, vốn đầu tư chưa nhiều, thu nhập chưa cao so với các mô hình phát triển kinh tế khác nhưng đây là mô hình thể hiện sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội với đoàn viên, hội viên thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp. 

 

Phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ Thái Bình những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, đời sống mà còn tác động tích cực, thôi thúc nhiều người trẻ năng động, tự tin đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao. Thành công của họ đã và đang cổ vũ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên quê hương, đồng thời khẳng định vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

 

Từ năm 2010 đến nay:

  • 26 thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của (dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc)
  • 2.592 thanh niên được tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi; các cấp bộ Đoàn, Hội đã hỗ trợ 161,1 tỷ đồng cho 8.629 thanh niên phát triển kinh tế
  • 850 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, 106 mô hình câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế với 2.091 thành viên

 

Xuân Phương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày