Thứ 6, 22/11/2024, 00:39[GMT+7]

Nghị lực của nữ doanh nhân

Thứ 6, 09/01/2015 | 09:30:02
2,390 lượt xem
Ðể gây dựng và phát triển Doanh nghiệp như ngày hôm nay, bà Ngắn đã phải khắc phục biết bao khó khăn, có lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Nhưng càng khó khăn thì thành công của bà càng nhiều ý nghĩa.

Nghề đan móc giúp nhiều phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Ðông Trung (Tiền Hải) nên bà Nguyễn Thị Ngắn chỉ được học hết cấp II. Khi lớn lên, cũng như bao người con gái nông thôn khác, bà Ngắn đi xây dựng gia đình. Những năm 1971, khi đất nước vẫn còn chiến tranh, chỉ ít hôm sau đám cưới, chồng bà phải quay lại chiến trường. Bà Ngắn nhớ lại: Năm 1974, chồng bà trở về với những thương tích trên người và họ sinh đứa con đầu lòng cũng đúng vào dịp nước lụt trắng đồng, mùa màng thất bát, cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng bấn. Quần quật sớm tối với đủ công việc từ gánh phân, nhổ mạ, cấy hái, xây lò đốt gạch, cuối cùng hai vợ chồng bà cũng dựng được một căn nhà nhỏ để “che mưa che nắng”. Nhưng trận bão năm 1986 đã làm căn nhà đổ sập, đẩy họ cùng 4 người con vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Ngồi ôm các con trong lòng mà hai dòng nước mắt cứ ứa ra, bà Ngắn nghĩ không lẽ ông trời lại bắt gia đình bà cứ phải chịu cảnh khổ cực mãi? Cơn bão có thể phá đổ ngôi nhà nhưng không làm nhụt ý chí, nghị lực vươn lên của bà Ngắn. Suy nghĩ phải tìm một công việc mới để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình đã đưa bà đến với nghề đan cói. Từ lúc học đến khi thành thạo nghề, bà Ngắn đã nghĩ ra cách đan những bị, giỏ đựng tôm, cua, ốc cho những chủ đầm trong vùng. Không lâu sau, sản phẩm bị cói của bà được nhiều người biết đến và có thương nhân đặt mua đến cả nghìn chiếc. Khi nghề đan cói đã giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn thì chồng bà tái phát vết thương và ra đi mãi mãi. Nén nỗi đau vào lòng, bà Ngắn dồn hết tâm trí để phát triển cơ sở đan cói của gia đình. Ngoài sản xuất bị cói, bà còn học đan mũ cói và bán rất chạy tại thị trường Nam Ðịnh, Hải Phòng…

 

Năm 2004, bà Ngắn quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An. Thời gian đầu, vì chưa có vốn và tìm được thị trường lớn nên chủ yếu sản xuất một số mặt hàng ró, bị, cặp học sinh và mũ cói… bán lẻ ở các chợ quê và cũng chỉ thu hút được 100 lao động vệ tinh trong xã. Ðể mở rộng sản xuất, Doanh nghiệp đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở các lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan… cho hội viên ở các xã trong tỉnh. Sau các khóa học, học viên thành lập tổ sản xuất, đứng ra nhận nguyên liệu, mẫu mã về làm, Doanh nghiệp thu mua lại sản phẩm. Thường xuyên sáng tạo ra các mẫu mã mới, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay Doanh nghiệp Tây An đang có hàng nghìn mẫu sản phẩm. Doanh nghiệp ngày càng phát triển đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là phụ nữ nông thôn, giúp họ cải thiện cuộc sống.

 

Ðể gây dựng và phát triển Doanh nghiệp như ngày hôm nay, bà Ngắn đã phải khắc phục biết bao khó khăn, có lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Nhưng càng khó khăn thì thành công của bà càng nhiều  ý nghĩa. 

 

  • Xây dựng mạng lưới trên 60 tổ sản xuất ở khắp các huyện trong tỉnh
  • Giải quyết việc làm cho 7.000 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng
  • Mỗi năm, sản xuất từ 500.000 - 800.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc
  • Tổng doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng/năm.

 

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày