Thứ 2, 25/11/2024, 11:04[GMT+7]

Làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu

Thứ 5, 15/01/2015 | 09:09:06
3,343 lượt xem
Với sự nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế cộng với ý chí quyết tâm làm giàu trên chính diện tích đất vườn của gia đình, đến nay mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm của cựu chiến binh Lê Văn Doanh ở thôn Khuốc, xã Liên Hiệp (Hưng Hà) đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Cựu chiến binh Lê Văn Doanh (thôn Khuốc, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà) chăm sóc chim bồ câu.

Sau những năm tháng rèn luyện trong quân đội, năm 1982, cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Doanh xuất ngũ trở về địa phương. Nhiều năm gắn bó với đồng ruộng mà cuộc sống của gia đình vẫn khó khăn, đầu năm 2012 ông quyết định xây dựng chuồng trại mua 50 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về chăn nuôi, lại gặp phải dịch bệnh khiến số chim bố mẹ và chim non mới nở chết gần hết. Không nản lòng, ông đã tự học hỏi, nghiên cứu qua sách, báo và xem các mô hình nuôi chim bồ câu trên truyền hình để rút kinh nghiệm cho mình. Với 50 triệu đồng vay mượn, ông Doanh sang Hải Dương mua tiếp 100 cặp chim giống về nuôi. Chất lượng con giống tốt, bồ câu sinh trưởng và phát triển ổn định nên ông rất yên tâm. Đến nay, gia đình ông có hơn 150 cặp chim bố mẹ cung cấp trứng và con giống cho thị trường.

 

Ông Doanh chia sẻ: Nhờ mô hình nuôi chim bồ câu mà kinh tế gia đình tôi ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, mua sắm thêm vật dụng gia đình, cuộc sống tươm tất hơn. Theo ông Doanh, chim bồ câu Pháp dễ nuôi và cho lợi nhuận cao hơn các loại gia cầm khác, bởi bồ câu Pháp có sức đề kháng cao, ít mắc bệnh, thích ứng tốt với điều kiện nuôi nhốt nên không mất nhiều công chăm sóc, chi phí thấp. Yếu tố quan trọng trong xây dựng nơi nuôi chim bồ câu là phải kín gió, có mái che nhưng đủ ánh sáng và sạch sẽ. Muốn chim lớn nhanh, khỏe mạnh, không bị bệnh thì mật độ nuôi phải bảo đảm từ 6 - 8 con/m2 và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại; tiêm thuốc phòng bệnh, thuốc bổ định kỳ; mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Khi phát hiện chim có dấu hiệu khác lạ phải xử lý bằng thuốc cho cả đàn để hạn chế sự lây lan bệnh.

 

Ông Doanh cho biết thêm: Thức ăn cho chim bồ câu là cám tổng hợp, đỗ tương và gạo lứt để tránh bệnh về tiêu hóa. Một đôi chim bố mẹ mỗi năm đẻ từ 8 - 10 lứa, mỗi lứa đẻ hai trứng. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày, đến khi xuất chuồng là 45 ngày; giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/con non và 400.000 đồng/đôi chim bố mẹ. Thị trường chim bồ câu thịt rất hút hàng, đầu ra ổn định. Mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 4 tấn chim bồ câu, sau khi trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng. Bên cạnh việc nuôi chim bồ câu, ông Doanh còn trồng hơn 100 gốc thanh long ruột đỏ, 60 gốc nhãn, nuôi 20 con lợn thịt và 1 sào ao thả cá trôi, cá trắm... cho tổng thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Đến nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương.

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Lê Văn Doanh còn là hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động hội. Gia đình ông luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Trong thời gian tới, ông tiếp tục mở rộng mô hình đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu cho những người có ý định phát triển kinh tế từ loại vật nuôi này.

 

Nguyễn Hậu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày