Thứ 6, 17/05/2024, 17:03[GMT+7]

Nỗ lực giúp người bệnh vơi bớt nỗi bất hạnh

Thứ 4, 25/02/2015 | 08:33:46
1,377 lượt xem
Chúng tôi đến Bệnh viện Tâm thần Thái Bình vào một ngày giáp tết Nguyên đán Ất Mùi. Trước Khoa Ðiều trị và Chăm sóc toàn diện, một người mặc bộ blouse trắng đang cắt tóc, cạo râu cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần giới thiệu, đó chính là Ðiều dưỡng trưởng Trương Thanh Tùng - điển hình phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện 12 điều y đức được Sở Y tế biểu dương, vinh danh nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.

 

Xem điều dưỡng Tùng cắt tóc cho một bệnh nhân trẻ mới nhập viện, nếu anh không mặc bộ đồng phục ngành Y, tôi sẽ nhầm anh là thợ cắt tóc chuyên nghiệp. Tùng cười tươi trả lời: Là do làm nhiều nên thành thạo. Việc cắt tóc cho bệnh nhân không được học trong nhà trường song do bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, không có ý thức, Khoa lại đảm nhận việc điều trị và chăm sóc toàn diện không có sự xuất hiện của người nhà bệnh nhân nên anh đã tự học cắt tóc để chăm sóc người bệnh tốt hơn. Không chỉ cắt tóc, cạo râu mà từ tắm, giặt, bôi thuốc ngoài da, cho ăn, vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt là những công việc thường ngày của anh và các điều dưỡng nơi đây. Với đặc thù là Khoa Ðiều trị và Chăm sóc toàn diện, thường xuyên có khoảng 50 bệnh nhân nặng nên số bệnh nhân được gia đình đón về ăn tết ít, đa số ở lại đón tết tại Bệnh viện.

 

Nghề điều dưỡng vốn đã vất vả, song điều dưỡng ở bệnh viện tâm thần, lại làm ở bộ phận điều trị và chăm sóc toàn diện nên vất vả gấp nhiều lần. Không chỉ vất vả, nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng do bệnh nhân bất ngờ hành hung đuổi đánh. Song theo bác sĩ Bùi Công Huệ, Phó khoa Ðiều trị và Chăm sóc đặc biệt: Ðiều dưỡng chăm sóc người bệnh tâm thần giữ vai trò rất quan trọng, đóng góp 80% thành công trong điều trị bệnh bởi ngoài chăm sóc y tế, còn phải chăm sóc tâm thần như gần gũi tìm hiểu tiền sử bệnh tật từ người nhà; sát sao bệnh nhân nắm diễn biến bệnh; động viên, chia sẻ, phân tích giúp người bệnh nhận thức và hòa nhập. Ðiều dưỡng Tùng với bản tính nhẹ nhàng, kiên trì, năng động, trách nhiệm cao trong công việc và luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh hết lòng đã phát huy tốt vai trò, phối hợp cùng bác sĩ điều trị hiệu quả cho nhiều người bệnh. Ðiều dưỡng viên Nguyễn Thị Mơ cũng cho biết: Tùng là Ðiều dưỡng trưởng có trình độ chuyên môn vững, lại là điều dưỡng nam duy nhất trong 7 điều dưỡng của Khoa nên luôn bố trí sắp xếp công việc khoa học, hợp lý. Anh thường xuyên gương mẫu nhận về mình những phần việc khó như chăm sóc hướng dẫn người bệnh mới, bệnh nặng, rối loạn bản năng ăn uống, không ý thức trong đại tiểu tiện. Ðồng thời anh thường nhận trực đêm nhiều hơn và trực vào những ngày lễ tết; luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ công việc với đồng nghiệp nên ai cũng quý mến. Ông Trần Văn Bính ở thị trấn Vũ Thư là người nhà bệnh nhân không giấu xúc động khi nói về điều dưỡng Tùng: “Chứng kiến điều dưỡng Tùng chăm sóc, đối xử tốt với người thân của mình, tôi rất yên tâm khi gửi gắm toàn diện bởi khi ở gia đình cũng không chăm sóc con tốt hơn thế. Con tôi nhập viện một tháng, bệnh đã đỡ, lại tăng cân, tôi biết ơn điều dưỡng Tùng và các bác sĩ nhiều lắm”.

 

Khi tôi hỏi lý do yêu thích và chọn nghề điều dưỡng vất vả, Tùng tâm sự: Sinh ra trong gia đình bố làm điều dưỡng bệnh viện quân đội, mẹ làm bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Từ nhỏ ở tập thể bệnh viện, anh đã gần gũi người bệnh, nhìn họ ngây dại không làm chủ được hành vi nên rất thương cảm, muốn chăm sóc giúp đỡ. Chứng kiến công việc hàng ngày của mẹ và các cô, các chú nên anh sớm hiểu và yêu thích bởi tính nhân văn của nghề thầy thuốc. Nay đã trải qua hơn 10 năm công tác, thấu hiểu hơn vất vả và vinh quang của nghề, anh càng quyết tâm nỗ lực học hỏi để làm tốt nhiệm vụ, giúp người bệnh và gia đình họ vơi bớt nỗi bất hạnh do bệnh tật.

Hà Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày