Thứ 6, 22/11/2024, 12:37[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình VAC

Thứ 6, 06/03/2015 | 09:38:04
3,413 lượt xem
Khi chúng tôi đến cũng là lúc chị Bùi Thị Như (thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) đang miệt mài với công việc thường ngày từ quét dọn vệ sinh chuồng trại rồi đến cho đàn vật nuôi ăn..., công việc lúc nào cũng tất bật không ngơi nghỉ.

Khu chuồng trại chăn nuôi bò của gia đình chị Bùi Thị Như.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2004, chị  mạnh dạn vay 10 triệu đồng qua chi hội phụ nữ thôn và nhận khoán diện tích đầm với tổng diện tích trên 25.000m2 để mở rộng chăn nuôi.

 

Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, chị tiến hành cải tạo 12.000m2 đất để đào ao thả cá như chép, trôi, mè, trắm... Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá, trung bình mỗi vụ, chị xuất 5 tấn cá thịt, 2 tấn cá giống thu trên 100 triệu đồng. Có được nguồn vốn trong tay, chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi gà, lợn. Mỗi năm xuất chuồng trên 2 tấn gà, trừ chi phí thu lãi trên 15 triệu đồng, xuất 6,5 tấn lợn hơi thu lãi trên 50 triệu đồng. Năm 2006, với số vốn tích được, chị tiếp tục mở rộng phát triển chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư 2 cặp bò cái, sau 1 năm bò đẻ bê con chị tiếp tục nuôi thành bò sinh sản. Chị đã tích cực tham gia một số lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò nên đàn bò của chị luôn khỏe mạnh, hầu như không có dịch bệnh xảy ra. Chỉ tính riêng năm 2014, gia đình chị xuất 20 con bò, với giá bán 15 triệu đồng/con sau khi trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi bò đem lại thu nhập ổn định lại không tốn nhiều công chăm sóc, chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô lớn hơn, nâng tổng số đàn bò 30 con, trong đó 20 con bò cái sinh sản. Chị trồng trên 2.000m2 cỏ voi, tận dụng các phụ phẩm như cây ngô, rơm khô, mía... làm thức ăn dự trữ. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào cộng với khâu chăm sóc kỹ, đàn bò phát triển khá tốt. Chị chia sẻ: Cùng với quyết tâm, nỗ lực của bản thân, là sự động viên, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể. Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ chị vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho chị được tiếp cận với các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cách chăm sóc, vệ sinh phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, chị thường xuyên tìm tòi học hỏi, tích lũy, trau dồi kinh nghiệm qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Từ nguồn phế thải trong chăn nuôi được xử lý, chị đã tận dụng làm thức ăn cho cá, chăm sóc cây màu, mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả như: chuối tiêu hồng, táo, mít, đu đủ... Đất không phụ công người, năm vừa qua trừ chi phí thu nhập của gia đình từ cây màu xen canh xấp xỉ 150 triệu đồng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho 6 - 8 lao động ổn định và lao động theo mùa vụ với mức thu nhập từ 2 -  2,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ cần cù, sáng tạo trong phát triển kinh tế, chị còn là một phụ nữ đảm đang quán xuyến chăm lo cho mái ấm của gia đình mình. Nuôi dạy con tốt và đầu tư cho các con được ăn học đầy đủ, các con của chị đều học giỏi và chăm ngoan. Cháu lớn hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Cháu thứ 2 học tại trường chất lượng cao của huyện. 

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Như còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, các hoạt động của Chi hội Phụ nữ thôn, nhất là xây dựng nông thôn mới. Gia đình đã tự nguyện hiến 500m2 đất ở, đất gia trại và tiền để xây dựng đường trục xã và đường thôn. Bằng sự cố gắng phấn đấu của mình, từ năm 2010 - 2013, chị liên tục được tặng Giấy khen của UBND huyện, nhiều năm đạt danh hiệu hội viên phụ nữ xuất sắc. Năm 2014, chị được đề nghị  UBND tỉnh tặng Bằng khen.

 

Kim Anh

(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày