Thứ 2, 25/11/2024, 12:03[GMT+7]

Nhà giáo Hữu Lượng “Văn chương chính là hơi thở cuộc sống”

Thứ 2, 16/03/2015 | 09:16:28
3,251 lượt xem
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, có ông nội là thầy đồ dạy chữ Nho, nhà giáo Hữu Lượng (thành phố Thái Bình) sớm gieo trong tâm hồn mình những vần thơ, câu chữ. Mặc dù đã ở tuổi 80, mái tóc đã bạc, đôi mắt đã mờ nhưng thầy giáo Hữu Lượng vẫn giữ nguyên niềm đam mê nghiên cứu văn học, đặc biệt là văn học Thái Bình.

 

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương khóa đầu tiên, thầy giáo Hữu Lượng đã mang hành trang kiến thức của mình về mảnh đất Thái Thụy dạy Văn học tại Trường cấp II Thái Ninh. Một thời gian sau, thầy được cử đi học đại học tại Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi học xong, thầy về nhận công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Trong thời kỳ bao cấp, để giữ được tấm lòng trọn vẹn với nghề không dễ dàng. Có những người vì đồng lương quá thấp, không nuôi nổi gia đình nên đã phải bỏ nghề. Thầy Hữu Lượng tâm sự: Dù khó khăn đến đâu, tôi vẫn một lòng kiên định với sự nghiệp trồng người, chắc tay lái đưa các thế hệ học trò đến bến bờ tri thức. Tôi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để các con được đi học, để người vợ hiền không phải lam lũ vì chồng, vì con.

 

40 năm cống hiến cho nghề, thầy giáo Hữu Lượng đã trải qua biết bao khó khăn, thử thách. Thế nhưng, sau những lần ấy, thầy hiểu hơn về giá trị con người, giá trị cuộc sống. Xuất phát từ một nhà giáo dạy Văn nên trong tâm hồn thầy luôn chứa đựng những vần thơ, câu chữ về những điều giản dị trong cuộc sống như dòng sông, ánh trăng… Thầy tâm sự: Văn chương chính là hơi thở cuộc sống của tôi. Ngay từ những ngày còn công tác, bên cạnh việc giảng dạy, tôi thường xuyên sáng tác thơ, truyện ngắn. Sau khi nghỉ chế độ, tôi không chỉ tham gia hoạt động trong Hội Cựu giáo chức Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình mà là một thành viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Kiều học, Hội Khuyến học phường Lê Hồng Phong. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu và viết về các thể loại văn chương, phê bình văn học, đặc biệt là các danh nhân văn học, các nhà văn, nhà thơ của Thái Bình hoặc có liên quan đến Thái Bình. Chính vì thế, thầy vừa là một nhà giáo đồng thời là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Một trong số các tác phẩm của thầy được giới văn nghệ sĩ và các nhà chuyên môn đánh giá cao đó là tác phẩm “Bằng cứ văn chương” viết dưới hình thức tiểu luận gồm hai tập, xuất bản năm 2013, 2014 bởi Nhà xuất bản Văn học.

 

“Bằng cứ văn chương” là tập tiểu luận phê bình viết về các danh nhân văn hóa, các nhà văn, nhà thơ Thái Bình và một số tác giả có liên quan đến Thái Bình như đại thi hào Nguyễn Du (người con rể của mảnh đất An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam, nay là tỉnh Thái Bình). Ðặc biệt, tập một của tác phẩm, phần “Quê lúa - làng văn” đã được đưa vào cuốn Ðịa chí Thái Bình. “Quê lúa - làng văn” là nét khái quát nền văn học Thái Bình từ năm 1945 đến đầu thế kỷ XXI, quá trình phát triển và những thành tựu cơ bản nền văn học Thái Bình đạt được. Những phần tiếp theo, đi sâu vào các thể loại văn chương cùng với các nhà văn, nhà thơ gắn với các dấu mốc lịch sử của dân tộc và bình về một số tác phẩm đang giảng dạy trong chương trình địa phương môn Ngữ văn tại các nhà trường hiện nay.

 

Với niềm đam mê sáng tác và nghiên cứu văn học Thái Bình của mình, nhà giáo Hữu Lượng đã giành được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó thầy vinh dự được trao tặng giải thưởng Văn học Lê Quý Ðôn lần thứ ba với tập thơ “Mùa mây ai nhớ” (1991 – 1996); hai lần đạt giải Nhì cuộc thi viết về thơ tứ tuyệt của Tạp chí Tài hoa trẻ.

 

Chia tay chúng tôi, thầy nói: Thời gian tới, tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. Ðây là nguyện vọng lớn nhất của tôi bây giờ. Chúc cho niềm đam mê của thầy sớm trở thành hiện thực.

Đặng Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày