Thứ 5, 21/11/2024, 20:11[GMT+7]

Niềm tin chiến thắng tật nguyền

Thứ 6, 07/08/2015 | 09:00:01
1,108 lượt xem
Trong khi nhiều người khuyết tật chọn lối sống thu mình hoặc phó mặc cho số phận thì chị Bùi Thị Lý ở thôn Trung Quý, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) lại luôn cố gắng vươn lên phát triển kinh tế gia đình. 

Chị Bùi Thị Lý dạy nghề cho người khuyết tật.

Hơn 30 năm đứng trên đôi chân tật nguyền, chị đã không ngừng học hỏi, mở rộng thị trường, phát triển nghề may. Sống hướng về tương lai đã trở thành động lực giúp chị vươn lên, đạt được nhiều thành quả trong công việc. Hiện chị đang sở hữu cơ sở may mặc mang tên Hải Lý tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, trong đó có 5 lao động là người khuyết tật.

Khi đến với nghề may, ít người nghĩ rằng chị Lý có thể thành công bởi sức khỏe yếu, mọi di chuyển của chị phụ thuộc hoàn toàn vào đôi nạng gỗ. Nhiều người khuyên chị nên bằng lòng với công việc hiện tại là đan mây. Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tạo điều kiện cho chị được học nghề, chị đã cố gắng trau dồi thêm kiến thức, mở một cửa hàng may thời trang. Tuy nhiên, khi bắt tay gây dựng sự nghiệp, chị phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, khách hàng ít. Khi nhận hàng về gia công, sự đa dạng cộng thêm yêu cầu khắt khe, đòi hỏi theo đúng kỹ thuật từ phía doanh nghiệp khiến cơ sở may của chị nhiều lần lao đao. Đứng trước khó khăn, thách thức, nhiều người có thể nản chí và bỏ cuộc, nhưng chị Lý không dừng lại. Chị chủ động tìm đến Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Hiền xin vay vốn đầu tư mua máy may. Để thu hút khách hàng, chị xác định cần tạo sự đa dạng cho các mẫu sản phẩm. Vì thế, chị giành nhiều thời gian tham khảo thị hiếu cũng như xu hướng thời trang của khách hàng theo từng độ tuổi, nghề nghiệp trên các trang mạng xã hội. Để nâng chất lượng sản phẩm, chị cùng thợ may có tay nghề lâu năm trực tiếp tìm tới các công ty tìm hiểu, nghiên cứu cách thức hoàn thiện sản phẩm và áp dụng theo. Quyết tâm vươn xa hơn, chị tiếp tục đi tìm nguồn hàng từ các công ty, doanh nghiệp trong huyện, tỉnh để phát triển cơ sở may mặc. Uy tín của cơ sở ngày càng tăng, đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc sản xuất các mặt hàng may mặc giúp nhiều lao động địa phương có việc làm, những năm qua, chị Bùi Thị Lý còn quan tâm đến công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho người khuyết tật. Chị Bùi Thị Lý chia sẻ: Hiện nay, cơ sở của tôi mới chỉ tiếp nhận hàng từ các công ty để gia công thêm. Tôi đang tìm hiểu, nắm bắt thêm nhu cầu thị trường về sản phẩm thời trang, hướng tới chuyên sản xuất đồ may mặc có mẫu mã đa dạng, bán buôn cho các đại lý, cửa hàng.

Chị Lý vinh dự là một trong những phụ nữ khuyết tật tiêu biểu được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác dạy nghề thời gian qua.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày