Thứ 5, 21/11/2024, 19:44[GMT+7]

Người thổi hồn cho làng nghề chạm bạc

Thứ 2, 14/09/2015 | 08:44:53
1,508 lượt xem
Mặc dù đã 78 tuổi nhưng nghệ nhân Lê Văn Giới ở thôn Phú Ân, xã Lê Lợi (Kiến Xương) vẫn đam mê, gắn bó với nghề chạm bạc. Ông là một trong những nghệ nhân tiêu biểu được tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Sản phẩm cây nến bằng đồng độc đáo do nghệ nhân Lê Văn Giới trực tiếp thiết kế.

Ông Giới chia sẻ: Sinh ra trên vùng đất có nghề chạm bạc truyền thống nên tôi đã học nghề ngay từ năm 16 tuổi. Tới năm 21 tuổi, tôi được nhận vào làm ở HTX Chạm bạc Phú Lợi, sau đó được bầu làm phó chủ nhiệm phụ trách kỹ thuật. Trong thời gian 18 năm gắn bó HTX, tôi luôn quan tâm cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn đưa hàng loạt các thiết bị máy móc vào sản xuất. Sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, năm 1990 tôi vừa tham gia ở HTX vừa mở tổ sản xuất tại gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho trên 70 lao động.

Dấu ấn quan trọng trên con đường làm nghề của ông Giới là ông đã phát minh ra cách lấy một cái lưỡi cuốc cắt gò thành nồi để thay thế cách nấu bạc bằng chén sành như trước. Theo ông kể, trước kia, để nấu một ki-lô-gam bạc phải mất tới vài cái chén. Chỉ tới khi ông phát minh ra nồi nấu bạc thì tất cả mọi người mới nấu đồng, bạc, thiếc bằng nồi inox và sắt. Ðặc biệt, ông còn nghiên cứu đúc khuôn các loại con giống để phục vụ bà con trong vùng như đầu rồng, chân tay lư, con nghê... Thời đó, ông phải nghiên cứu mất 6 tháng mới hoàn thành được các sản phẩm để gắn vào hàng mỹ nghệ, sau đó truyền dạy lại cho các thợ kim hoàn khác để tạo đường nét hoa văn tinh xảo trên sản phẩm. Chính vì thế, các sản phẩm của ông đều sắc sảo về đường nét, hài hòa về màu sắc, cân đối, phù hợp về kiểu dáng, ý nghĩa về lịch sử và tâm linh, được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng, đặt hàng với số lượng lớn, góp phần duy trì, phát triển nghề truyền thống ở địa phương. Bên cạnh đó, trước đây trong làng nghề chưa ai có đèn hàn nhưng ông đã phát minh ra đèn hàn từ năm 2003. Từ đó bà con trong vùng đã áp dụng theo cách làm của ông và HTX Chạm bạc Phú Lợi cũng đi tiên phong trong công nghệ này.

Nhờ có trình độ kỹ thuật cao nên hiện nay nhiều sản phẩm độc đáo chỉ có nhà ông mới làm được như cây nến hóa trúc 49 ngọn, loại nến 7 đèn 9 nến từ cây đứng chuyển sang cây thế, hàng phụ kiện của đồng hồ hay đúc truyền thần... Bình quân mỗi năm ông Giới nhận hàng trăm đơn đặt hàng với khoảng 20 cây nến to trị giá 25 triệu đồng/cây, 50 đôi cây nến nhỏ trị giá 3,5 triệu đồng/đôi, 30 bộ lư thờ trị giá 6 triệu đồng/bộ, khoảng 100 bộ hàng đồng hồ trị giá khoảng 80 triệu đồng... Nhiều sản phẩm được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được giới thiệu và trưng bày tại các hội chợ ở Nam Ðịnh, Thái Nguyên, Hà Nội... Không chỉ đạt doanh thu bình quân khoảng 600 triệu đồng/năm, ông Giới còn truyền nghề cho 130 người. Tất cả thợ học nghề của ông đến nay đều có tay nghề giỏi, vừa phục vụ làm nghề tại địa phương vừa đi làm hàng vàng cao cấp ở các tỉnh.

Với những cống hiến trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống, năm 2004 ông Giới đã vinh dự được Liên minh HTX Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự phát triển HTX; Hội Kim hoàn đá quý Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghề kim hoàn. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân từ năm 2009.

Quốc Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày