Thứ 5, 09/05/2024, 10:23[GMT+7]

Ước mơ nhỏ, ý nghĩa lớn của cô gái khuyết tật

Thứ 6, 20/11/2015 | 09:14:47
4,151 lượt xem
“Em mong tủ sách của em có thêm nhiều sách, báo dành cho thiếu nhi để các em học sinh có thể mượn về nhà, để em có thể được trò chuyện với nhiều người yêu sách” - đó là ước mơ của cô gái khuyết tật đọc sách bằng mắt, lật sách bằng lưỡi, giữ sách bằng cằm Nguyễn Lan Hương (xóm 3, thôn Phong Lôi Tây, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng).

Nguyễn Lan Hương bên tủ sách gia đình.

Sinh ra, Lan Hương không may mắn như những đứa trẻ khác khi mắc bệnh bại não khiến em chưa một lần được đi bằng đôi chân, cầm nắm mọi vật bằng đôi tay của mình. Để có thể ngồi trên xe lăn không bị trôi, trượt, mẹ em phải lấy chiếc khăn buộc một bên cánh tay lại. Mọi sinh hoạt trong 22 năm qua Lan Hương phải nhờ mẹ và các thành viên trong gia đình. Em kể: Năm em 10 tuổi, em trai em bắt đầu vào lớp 1. Đi học chữ, học số trên trường, về nhà nghe em trai đọc bảng chữ cái, chữ số, em tập đọc theo. Những chữ khó, em hỏi mẹ, hỏi em. Nhờ sự sáng dạ và tinh thần ham học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, em đã biết đọc, biết tính những con số dưới 100.

Nhìn Lan Hương đọc sách, người chứng kiến sẽ không khỏi xúc động. Trên chiếc xe lăn, người mềm oặt, em dùng chiếc lưỡi của mình để lật từng trang sách và dùng cằm giữ nếp gấp sách. Thời gian đọc một trang sách nhiều khi ít hơn thời gian lật giở, cố định sách để đọc nhưng em khoe em đã đọc được hơn 10 cuốn sách dày hàng trăm trang, trong đó có cuốn "Không gục ngã" của tác giả Nguyễn Bích Lan đã giúp em có động lực hơn trong cuộc sống. Lan Hương tâm sự: Nguyễn Bích Lan cũng bị khuyết tật nhưng chị ấy đã vươn lên tự học tiếng Anh để trở thành một dịch giả nổi tiếng. Em học được rất nhiều từ chị ấy.

Tiếng lành đồn xa, từ trang mạng xã hội của một số người bạn, biết Lan Hương mặc dù bị khuyết tật nhưng ham hiểu biết, tự học chữ, mong muốn có một tủ sách tại gia đình để em có thể đọc sách, mở rộng tri thức và tạo điều kiện cho các em học sinh địa phương học tập, từ Thành phố Hồ Chí Minh, một người hảo tâm đã gửi cho em 700.000 đồng để đóng tủ sách và gần 200 cuốn sách, báo, tạp chí. Cùng với sự giúp đỡ của Thư viện tỉnh, em đã có một tủ sách mơ ước ngay tại gia đình. Từ ngày có tủ sách, buổi trưa, buổi chiều, mỗi khi tan học, rất nhiều học sinh các trường THCS ở Đông La, Đông Động, thị trấn Đông Hưng đến nhà em mượn sách. Mặc dù tủ sách mới khai trương chưa lâu nhưng số lượt học sinh đến mượn sách đọc đã lên tới gần 400. Quỳnh Anh, học sinh lớp 6A2, Trường THCS Hợp Hưng cho biết: Em thường xuyên đến nhà chị Hương mượn sách về đọc. Tủ sách của chị có rất nhiều sách hay, em đã học được nhiều điều bổ ích từ những cuốn sách ấy. Tuy nhiên, điều khiến Lan Hương lo lắng hiện nay là tủ sách còn ít về số lượng và không có nhiều sách, báo dành cho thiếu nhi, nếu không có sách bổ sung thì các em học sinh sẽ không có sách để đọc và những người bạn nhỏ yêu sách sẽ không đến với em nữa.

Ngày nay, văn hóa nghe nhìn phát triển, ở nhiều lúc, nhiều nơi, chúng ta vẫn thấy những cuốn sách hay nhưng không có nhiều người đọc. Nếu những cuốn sách ấy được gửi đúng địa chỉ sẽ giúp một cô gái có số phận không may mắn thực hiện được ước mơ của mình là góp phần phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Ước mơ nhỏ, ý nghĩa lớn của Nguyễn Lan Hương đang cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Vũ Hường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày