Thứ 5, 09/05/2024, 14:40[GMT+7]

Làm giàu từ nghề mộc truyền thống

Thứ 6, 11/12/2015 | 08:57:20
3,514 lượt xem
Về Thụy Văn (Thái Thụy), nhắc đến cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của ông Nguyễn Như Nên ở thôn 1 An Định ai cũng biết, cơ sở đang tạo việc làm ổn định cho 25 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Như Nên kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Đến thăm cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của ông Nguyễn Như Nên, hơn 20 công nhân đang tập trung cao độ hoàn thiện các sản phẩm gỗ mỹ nghệ để giao cho khách hàng khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam trước tết Nguyên đán. Tranh thủ phút nghỉ ngơi, bên ấm trà nóng, ông Nên tâm sự: Trước đây, nghề mộc ở Thụy Văn mang tính chất tự phát, sản phẩm làm ra khá đơn điệu, sản xuất chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và một số xã lân cận, vì thế giá trị sản phẩm không cao, lợi nhuận thu về thấp; nghề mộc chưa được coi là nghề chính của người dân địa phương. Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ ở Thụy Văn được chuyển đổi theo hướng chuyên môn cao. Các phương tiện, công cụ hỗ trợ làm nghề được các gia đình chủ động đầu tư mua sắm theo hướng hiện đại. Các công đoạn sản xuất như xử lý gỗ nguyên liệu, xẻ, khoan, đánh bóng, phun sơn… trước đây đều phải làm bằng tay thì nay đã được thay thế bằng hệ thống máy móc hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động.

Khi mới đi vào hoạt động, cơ sở của ông Nên gặp không ít khó khăn do tay nghề của công nhân còn hạn chế, mẫu mã chưa bắt mắt, khó cạnh tranh với các cơ sở trong làng. Không nản chí, với suy nghĩ làm đâu chắc đấy và đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, ông sẵn sàng làm với giá rẻ và tư vấn, thiết kế các mẫu bàn, ghế, tủ miễn phí cho khách hàng. Đến nay, sau hơn 20 năm, nhờ chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ do ông Nguyễn Như Nên làm chủ không chỉ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh mà mỗi năm còn xuất được trên 500 bộ đồ thờ như lư hương, hoành phi, câu đối, tủ thờ và nhà cổ đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, ông Nên cho biết: Để có được thành công, người làm mộc phải giữ được niềm tin với nghề của mình, đề cao chữ tín và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, cần tiến hành tẩm, sấy gỗ theo đúng quy trình, thời gian quy định để sản phẩm không bị mối mọt và cong vênh. Người dân ở Thụy Văn luôn tự hào về nghề truyền thống mà các cụ xưa để lại. Nghề này sẽ còn phát triển và đem lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho người dân nơi đây. Quy trình làm đồ mộc của Thụy Văn luôn kết hợp giữa cách làm hiện đại và truyền thống. Máy móc có thể xẻ, bào, nhưng việc đục đẽo, chạm khảm vẫn được làm bằng tay. Như vậy mới cho ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng.

Trong thời gian tới, để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ông Nên sẽ cùng các cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ trong xã tiếp tục chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu khách hàng cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trên thị trường. Từ đó tìm tòi nghiên cứu, chế tác các mẫu mã sản phẩm mới. Nét độc đáo của làng nghề mộc Thụy Văn là mặc dù đều sản xuất các sản phẩm mộc nhưng mỗi cơ sở sản xuất lại chọn cho mình một loại mặt hàng riêng biệt tùy theo thế mạnh của gia đình, chính vì thế mà mỗi sản phẩm mộc mỹ nghệ được các hộ làm ra đều có nét đặc sắc riêng với độ tinh xảo và giá trị thẩm mỹ rất cao. Đây cũng là một trong những lý do giúp cho các sản phẩm mộc truyền thống của Thụy Văn luôn tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường, được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày