Thứ 5, 09/05/2024, 18:06[GMT+7]

Những triệu phú áo xanh

Thứ 3, 02/02/2016 | 15:51:55
2,344 lượt xem
Không xin vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp như bạn bè cùng trang lứa mà quyết về quê lập nghiệp, bám trụ đất quê với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tinh thần xung kích, tình nguyện - đó là câu chuyện lập nghiệp, làm giàu của những thanh niên được đoàn viên, thanh niên gọi là những triệu phú áo xanh.

Anh Phạm Văn Lợi (áo đỏ) chăm sóc, kiểm tra khoai tây trước khi thu hoạch làm giống.

Chúng tôi trở lại thăm mô hình sản xuất của Phạm Văn Lợi (xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy) sau một năm nhận giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc). Lợi bảo: Năm nay "không ăn thua". Vụ mùa năm 2015 đầu tư mua thêm máy gặt đập liên hợp trị giá hơn 600 triệu đồng nhưng được mấy ngày đã bị kẻ gian cắt xích; nhà kho để khoai tây giống bán cho nông dân thì bị hỏng, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Bán máy, Lợi tập trung vốn, nhân lực cho làm đất gieo cây, con giống cung cấp cho các nhà vườn, chủ máy cấy tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đất được Lợi mua từ Thanh Hóa, sau khi xử lý, bổ sung các thành phần dinh dưỡng sẽ được phân phối đến tận nơi người sử dụng. Mỗi ngày, cơ sở của Lợi bán ra khoảng 1,5 tấn. Ông Nguyễn Như An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đặt mua đất gieo mạ khay của anh Lợi cho biết: Tôi được mọi người giới thiệu và biết mô hình cấy lúa bằng máy của Lợi từ năm 2013. Sau khi chia sẻ kinh nghiệm về gieo, chăm sóc mạ, giới thiệu và nhân rộng phương pháp cấy bằng máy, từ 12 mẫu năm đầu tiên, vụ xuân năm nay, toàn xã đã có hơn 100 mẫu cấy bằng máy. Bà con nông dân và chúng tôi tin tưởng về chất đất cũng như sự nhiệt tình, sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm của Lợi. Trở lại câu chuyện dở dang với Lợi, cậu kể: Những gì mình biết, có lợi cho bản thân, gia đình, xã hội, mình phải chia sẻ, nhân rộng. Mình trẻ, có nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, khi tiếp cận cái mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ thuận lợi hơn. Nếu có thất bại, âu cũng là bài học giúp mình trưởng thành hơn. Năm 2015, Lợi chủ yếu cung cấp đất, mạ khay, hướng dẫn cách gieo, cấy bằng máy, giúp sửa chữa máy nông nghiệp, trồng (6ha) khoai tây giống bán cho bà con. Ngoài ra, từ tháng 11/2015, Lợi bắt đầu là chủ cơ sở làm giấy tiền xuất khẩu sang Hàn Quốc. Mặc dù "không ăn thua" nhưng năm nay ông chủ sinh năm 1988 này vẫn thu về khoảng 300 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm thường xuyên cho 20 người với mức thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Đi lên sau ba lần thất bại, tổn thất hơn 600 triệu đồng, gia đình, bà con làng xóm phản đối, không tin vào sự thành công của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng chí đã quyết, vợ chồng chị Lưu Thị Tỉnh (xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ) đã vượt lên làm giàu thành công bằng cây dược liệu. Chị Tỉnh chia sẻ, với kiến thức được học về ngành dược, năm 2012, vợ chồng chị đấu thầu gần 5ha ruộng của nhân dân, hết trồng diệp hạ châu, ích mẫu, bông lá đề rồi đến cỏ ngọt, đinh lăng... để bán cho các công ty dược. Tuy nhiên, kinh nghiệm thiếu, thời tiết không thuận lợi nên anh chị mất trắng hơn 600 triệu tiền vốn vay mượn người thân và ngân hàng nhưng cái được lớn nhất là kinh nghiệm trồng trọt. Những tưởng khó khăn, thất bại làm nhụt ý chí nhưng với quyết tâm "ngã ở đâu, đứng lên ở đó", vợ chồng chị tìm hiểu và trồng cây chùm ngây bên cạnh đinh lăng. Cùng với đó, chị tìm và trồng thêm các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như hoàn ngọc, xạ đen, cà gai leo... Sau ba lần thất bại, mô hình trồng cây dược liệu của vợ chồng chị Tỉnh đã thành công. Có động lực, hai vợ chồng chị bàn nhau thuyết phục người dân địa phương cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp theo phương án trả tiền thuê hàng năm và thuê chính những người nông dân đó làm công nhân cho mình. Chị Tỉnh kể: Nhà mình vốn có nghề đông y, bản thân lại được học ngành dược nên hai vợ chồng tìm học cách làm trà túi lọc từ những cây dược liệu nhà trồng. Mang sản phẩm trà túi lọc Thái Hưng với chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu của mình đến từng cửa hàng giới thiệu, dần dần trà túi lọc của vợ chồng anh chị ngày càng được nhiều người tin dùng. Với diện tích trồng cây dược liệu khoảng 15ha, hệ thống máy móc sản xuất trà túi lọc hiện đại, an toàn, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị Tỉnh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho hơn 40 người với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Lưu Thị Tỉnh bên sản phẩm trà túi lọc được sản xuất từ cây dược liệu.

Cùng chung khát vọng làm giàu trên quê hương, Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1990, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duyên Hải (Hưng Hà) lại phát triển kinh tế gia trại. Với 1 mẫu đất, Toán đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn giống ngoại và đào ao nuôi cá. Mặc dù đã được học từ sách vở đến kinh nghiệm từ những năm phụ giúp bố mẹ trông nom gia trại nhưng thực tế khó khăn hơn rất nhiều khi Toán làm chủ gia trại của mình từ vốn đến kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho lợn. Sau giai đoạn nuôi thử nghiệm với mấy chục con, đàn lợn tăng trưởng bình thường và như mong đợi, Toán mua thêm con giống, củng cố chuồng trại tiến tới mô hình trang trại chuyên nghiệp. Khu chăn nuôi của Toán được thiết kế tương đối khoa học, gồm khu lợn nái sinh sản, khu lợn đẻ nuôi con, khu nuôi lợn con mới tách cai sữa, khu nuôi lợn thương phẩm, bảo đảm chăn nuôi theo quy trình khép kín. Toán cho hay: Trong chăn nuôi, quan trọng nhất là tiêm phòng bệnh và chăm nom đầy đủ. Nhiều đêm thức trắng cùng công nhân chăm sóc, "đỡ đẻ" cho lợn là chuyện thường xuyên… Sau gần một tháng lợn con được sinh, Toán tách đàn lợn con khỏi lợn mẹ để cai sữa và cho ăn cám. Cũng từ thời gian tuổi đó, nếu có khách mua là mình có thể xuất bán lợn con. Giống lợn ngoại mau lớn, da hồng hào, hiệu quả cao, giá bán cũng cao hơn giống lợn nội. Trang trại của Toán đã đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm xuất bán 25 tấn lợn thịt, 1,5 tấn cá thịt, hàng trăm con lợn giống, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Với sức trẻ và chí tiến thủ của mình, Phạm Văn Lợi, Lưu Thị Tỉnh, Nguyễn Văn Toán chỉ là ba trong số hàng nghìn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mỗi người một hướng đi, một cách làm giàu riêng, tương lai với nhiều dự định mới. Tuy nhiên, muốn tự khẳng định mình bằng cách lập nghiệp thành công ngay trên quê hương thì không phải ai cũng đủ tự tin cũng như tiềm lực để làm được. Đa số các bạn trẻ khi muốn bắt đầu phát triển kinh tế thì đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, những năm qua, các cấp bộ đoàn đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Thường xuyên tuyên dương những đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi, giúp các bạn có động lực cũng như góp phần nhân rộng nhiều triệu phú áo xanh trên quê hương năm tấn.

Phương Chi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày