Thứ 3, 06/08/2024, 13:18[GMT+7]

Bù đắp khiếm khuyết cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc

Chủ nhật, 03/07/2016 | 20:22:05
3,432 lượt xem
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả song cuộc sống của anh Trương Văn Tám và chị Lã Thị Hoài Thu, tổ 23, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) - đôi vợ chồng khuyết tật luôn tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc. Sức mạnh của tình yêu đã giúp họ vượt qua những gian nan, cùng chung tay xây dựng mái ấm gia đình.

Bữa cơm gia đình gắn kết yêu thương của anh Tám, chị Thu.

Sau nhiều cuộc điện thoại hẹn gặp, chúng tôi mới có dịp đến thăm gia đình anh Tám và chị Thu. Bên mâm cơm đạm bạc, người phụ nữ mù dò lần đôi đũa để gắp thức ăn cho chồng, con. Người chồng khuyết tật cũng gắp thức ăn lại cho vợ. Bên mâm cơm, cả nhà trò chuyện vui vẻ dù bữa cơm không có món ngon đặc biệt. Để có được hạnh phúc như hôm nay, anh Tám và chị Thu đã phải trải qua con đường đầy thử thách, vất vả gấp nhiều những gia đình bình thường. Đầu tiên là sự phản đối kịch liệt từ gia đình hai bên bởi chị Thu bị mù từ nhỏ còn anh Tám bị khuyết tật tay trái, lấy nhau về lấy gì mà ăn, mà lo cuộc sống? Sau một thời gian dài đi từ vận động thuyết phục đến đấu tranh tư tưởng, bố mẹ hai bên mới đồng ý để anh chị xây dựng mái ấm gia đình. Tuy nhiên, khi về sống với nhau, những khó khăn của cuộc sống mới dần bộc lộ, đặc biệt là quãng thời gian sau khi sinh con. Với chị, việc tự lo sinh hoạt của mình đã khó nay phải mày mò pha sữa, thay bỉm cho con. Anh lại không đỡ đần được nhiều vì sức khỏe hạn chế. Bố mẹ hai bên nội ngoại đều lớn tuổi, gia đình lại neo người nên không ai hỗ trợ được nhiều. Thêm vào đó là sự eo hẹp về kinh tế, anh không có công việc ổn định, thu nhập cả gia đình trông chờ vào nghề tẩm quất chị mở tại nhà.

Cuộc sống trôi qua với bao thăng trầm nhưng anh chị không hề nản chí. Họ luôn động viên nhau, rồi tự nhủ bản thân khó khăn mấy cũng cần vượt qua, có con rồi không thể buông xuôi, đồng tâm hiệp lực giải quyết mọi vấn đề. Để giải quyết bài toán khó khăn về kinh tế, anh chị quyết định vay mượn gia đình, bạn bè, họ hàng xây dựng thêm tầng hai, thuê thêm nhân viên mở rộng cơ sở tẩm quất. Dù không treo biển nhưng do tay nghề khá nên khách hàng tìm đến cơ sở của chị ngày càng đông, trung bình vào mùa hè từ 6 đến 8 người/ngày. Kinh tế gia đình dần ổn định. Anh cũng tập làm quen công việc gia đình, giúp đỡ vợ từ việc chăm con đến lo cơm nước, sinh hoạt. Sự đồng cảm, chia sẻ của người chồng khiến chị cảm động, quên đi mọi mệt mỏi trong công việc thường ngày, cùng chung tay chăm sóc cậu con trai nhỏ. Thương cha mẹ, con trai Trương Cảnh Khoa rất ngoan ngoãn, chăm học. Hiện Khoa đang chuẩn bị lên lớp 4. Khoa chính là nguồn động viên, an ủi lớn của đôi vợ chồng khuyết tật.

Chị Thu chia sẻ: Những khó khăn, vất vả của gia đình tôi khó có thể nói hết một sớm một chiều. Trong chương trình Người xây tổ ấm của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi đã chia sẻ, bộc bạch với khán giả những khó khăn của một gia đình khuyết tật nhưng thời điểm đó chưa thấm vào đâu so với lúc sinh cháu Khoa. Việc kiếm tìm, giữ gìn hạnh phúc trong những gia đình khuyết tật không hề đơn giản. Ngoài việc tìm được tiếng nói chung, vợ chồng phải có bản lĩnh, biết bù lại những thiếu sót của nhau và dám đối mặt với khó khăn, nhất là về kinh tế. Tôi nghĩ rằng ít có gia đình nào trọn vẹn, để giữ gìn hạnh phúc vai trò của người vợ vô cùng quan trọng. Tôi luôn tôn thờ chữ "nhẫn" để giữ hòa khí gia đình: nhẫn để yêu thương/nhẫn để lo toan/nhẫn để vẹn toàn.

Sau bao sóng gió thăng trầm, cuộc sống của anh Tám chị Thu đã ổn định. Họ có một ngôi nhà hai tầng khang trang, một cuộc sống đầm ấm và một cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Họ đã biết bù lại những khiếm khuyết của nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù không khá giả về vật chất nhưng họ lại giàu tinh thần. Đây mới là giá trị bền vững nhất mà mỗi gia đình cần có.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày