Thứ 3, 20/05/2025, 10:23[GMT+7]

Những người giúp dòng sông “thở”

Thứ 2, 22/08/2016 | 08:54:14
275 lượt xem
Bèo bồng, rác thải, cành cây, gạch đá… tất cả được những người thiếu ý thức vô tư ném xuống sông khiến các con sông trên địa bàn huyện Vũ Thư ngày càng “ngộp thở”, thậm chí bị “bức tử”. Ngược lại, có những người chẳng quản ngại vất vả, ô nhiễm, vẫn cần mẫn đêm ngày thu vớt vật cản, giải tỏa mặt sông, giúp các con sông lấy lại “hơi thở”, sự sống của mình. Họ là những công nhân của Tổ sông kênh, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Vũ Thư.

Công nhân Tổ sông kênh giải tỏa dòng chảy sông Kiến Giang đoạn qua địa bàn huyện Vũ Thư.

 

Có dịp cùng công nhân của Tổ sông kênh tham gia buổi giải tỏa mặt sông Kiến Giang đoạn từ cầu Nhất về cầu Thẫm (Vũ Thư), chúng tôi mới hiểu hết khó khăn, vất vả của những người quanh năm ngâm mình dưới nước để làm sạch sông. Nước sông lớn mênh mông, đục ngầu, giữa sông bèo bồng, cây cối trôi, vướng lại thành từng mảng, gần hai bên bờ sông chìm nổi những bao bì, bọc nilon rác, nhiều chỗ bốc mùi hôi thối.

 

Anh Lê Công Đằng, Tổ trưởng Tổ sông kênh, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Vũ Thư cho biết: Tổ tuy mới được tách ra, thành lập từ năm 2012 với 24 công nhân, trong đó một nửa là phụ nữ nhưng hầu hết công nhân đều có thâm niên hàng chục năm làm công tác giải tỏa mặt sông. Hiện nay, Tổ thực hiện nhiệm vụ giải tỏa 30 tuyến sông trục cấp I, cấp II với tổng chiều dài 130km. Tổ chia thành các nhóm, mỗi nhóm từ 4 - 5 người để hỗ trợ nhau khi cần thiết, trung bình mỗi người giải tỏa gần 6km sông. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng anh em trong tổ thực sự vất vả vì ý thức của người dân chưa cao, rác sinh hoạt, động vật chết, nước thải được thải ra sông tràn lan khiến tình trạng ô nhiễm phổ biến ở hầu hết các tuyến sông. Công nhân đi làm luôn phải ngâm mình dưới nước, dù mặc đồ bảo hộ hay không đều bị ngứa, dị ứng da. Lượng bèo bồng, cỏ rác ở các sông, mương máng nhỏ không được thu vớt, thường xuyên trôi dạt ra, thu vớt lên rất cực khổ. Nhất là sau bão số 1 vừa qua, hầu hết các mặt sông đều dày đặc bèo bồng, cây chuối, cành lá cây, rác thải… gây ách tắc dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu úng, bảo vệ lúa và hoa màu nội đồng. Vì thế đến nay 100% công nhân vẫn làm việc với cường độ cao để tiếp tục giải phóng dòng chảy các sông. Nhiều việc quá, đơn vị phải thuê khoán thêm lao động ở ngoài để hỗ trợ anh em giải tỏa sông nhưng hầu như họ chỉ dám làm một hai buổi, còn không ai “bám” được lâu vì quá vất vả và sợ ô nhiễm.

 

Chị Huế, thành viên Tổ sông kênh chia sẻ: Đối với nam giới, công việc này đã là vất vả nhưng đối với phụ nữ thì còn cực khổ hơn nhiều lần. Nhiều tuyến sông nước lớn, mặc dù đều biết bơi nhưng chị em vẫn phải cẩn thận đề phòng đuối nước. Vất vả là thế nhưng làm mãi thành quen, tự nhiên trở nên gắn bó, thân thuộc với từng dòng sông. Thấy sông thoáng, sạch sẽ là mừng.

 

Bà Bùi Thị Kim, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Vũ Thư cho biết: Hiểu những vất vả, nỗ lực của anh em, đơn vị đã trang bị quần áo bảo hộ lao động, phao bơi bảo đảm an toàn cho công nhân khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm sông ngày càng gia tăng, khối lượng công việc lớn nên anh em vẫn còn nhiều vất vả, thiệt thòi. Nhờ đóng góp quan trọng của Tổ sông kênh đã góp phần giải phóng dòng chảy tại các tuyến sông trục cấp I, cấp II, tạo điều kiện tiêu nước nội đồng nhanh chóng nên bão số 1, số 2, số 3 liên tiếp với lượng mưa lớn vừa qua nhưng huyện vẫn tiêu úng thành công, cơ bản bảo vệ an toàn 8.000ha lúa mùa.

 

Những công nhân trẻ, lương và phụ cấp còn thấp, thậm chí ít ỏi nhưng anh chị em đều gắn bó với nghề, mỗi người đều coi tuyến sông của mình như “con mọn”, chăm chút từng ly, từng tý, làm đẹp, làm sạch cho sông. Chẳng quản ngại vất vả, nhận phần khó khăn, thiệt thòi về mình, những công nhân Tổ sông kênh đã từng ngày lấy lại “hơi thở”, sự sống cho những dòng sông quê hương.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày