Chủ nhật, 28/07/2024, 21:30[GMT+7]

Người “giữ lửa” nghề thêu

Thứ 2, 29/08/2016 | 09:55:29
3,054 lượt xem
Đam mê đường kim mũi chỉ đến cháy bỏng, chị Nguyễn Thị Nhuần, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng (Vũ Thư) đã trở thành chủ cơ sở thêu nổi tiếng. Đó là cả một hành trình dài với quyết tâm và nỗ lực không ngừng để góp phần "giữ lửa" nghề thêu truyền thống.

Chị Nhuần (người thứ hai từ trái sang) hướng dẫn kỹ thuật thêu.

Ðam mê cháy bỏng

Sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em, hình ảnh người mẹ miệt mài bên khung thêu, tay thoăn thoắt đưa đường kim mũi chỉ đã nuôi dưỡng ước mơ thêu của cô bé Nhuần. Từ lúc mới 6 tuổi, cô bé đã ngày ngày chăm chú nhìn và học cách "cầm kim tay chụm" - một cách cầm kim truyền thống, thêu kín chân và đẹp. 10 tuổi, Nhuần đã có thể thêu thành thạo. Ai cũng khen cô bé sáng dạ, chịu khó.

Học hết cấp III, kinh tế gia đình khó khăn, chị ở nhà làm hàng thêu phụ giúp bố mẹ rồi xây dựng gia đình. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi nghề thêu lên ngôi, vợ chồng chị cũng như bà con trong thôn, trong xã ngày đêm miệt mài bên khung vải nên kinh tế cũng tạm ổn. Đặc biệt, giai đoạn 2000 - 2005, hai vợ chồng chị nhận hàng kimono, hàng đai của Nhật sớm tối thêu cho chủ mối. Nhưng sang năm 2006, nghề thêu thoái trào, nhu cầu giảm, nhiều nhà gác khung thêu trên mái bếp, thanh niên trong làng bỏ nghề đi làm công nhân. Chị Nhuần trăn trở suy nghĩ: Nghề bao đời ông cha để lại chả nhẽ lại để mai một và mất đi? Với đam mê cháy bỏng, nhiều đêm, khi chồng con đã ngủ, chị lấy khung thêu ra, tự căng vải, thêu những bức tranh mà bản thân tưởng tượng, thường là hoa lá, con vật quen thuộc. Có người đến nhà chơi, thấy thích lại đặt nhờ chị thêu giúp. Dần dần, nghe ngóng thấy xu hướng thị trường chuyển từ thêu truyền thống sang thêu tranh, chị bàn với 3 - 4 chị em trong thôn cùng làm để bán. Tuy mối hàng chưa nhiều nhưng mấy chị em rất vui vì ít ra cũng không phải bỏ tay kim.

Hành trình học nghề

Thời gian đầu làm tranh thêu, chị Nhuần chủ yếu theo mẫu có sẵn, nghèo nàn, hàng còn mộc mạc. Với suy nghĩ nếu cứ dậm chân tại chỗ thì không theo kịp thị trường, chị bàn với chồng rồi "khăn gói quả mướp" lên làng Quất Động, Hà Tây để xem làng nghề thêu ở đó họ làm thế nào sau đó lại ngược hơn 100 cây số, tận tối đêm mới về đến nhà… Cứ thế, cách mấy ngày chị lại lên làng Quất Động. Học "mót" được gì chị về tự mày mò làm lại rồi kết hợp với tinh túy của làng nghề mình, từ vẽ tranh, đến cách phối chỉ, lên khung, là, tẩy…, học đến đâu về thực hành đến đó. Đêm đêm, chị miệt mài tập vẽ tranh, tập thêm kỹ thuật thêu, các khâu hoàn thành tranh đồng thời mạnh dạn thiết kế mẫu hàng thêu tranh mới, làm thử, bán cho một số cơ sở tư nhân trong tỉnh, ký hàng qua đầu mối trung gian.

Từ người làm thuê đến bà chủ lớn

Tranh thêu của chị Nhuần ngày càng đẹp. Tiếng lành đồn xa, nhiều chủ hàng đặt thêu gối cưới, tranh cưới... tự tìm đến. Chị động viên chồng học thêm nghề mộc để tự làm khung, giảm chi phí. Hai vợ chồng chị đề nghị UBND xã cho thuê mượn mảnh đất mặt đường 223 mở cơ sở thêu tranh "Ninh Nhuần". Năm 2010, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, chị mạnh dạn tìm hiểu thị trường và trực tiếp ký hợp đồng với các cơ sở thêu tranh bên Trung Quốc và thuê 40 lao động gia công tại hai cơ sở cùng hàng trăm lao động vệ tinh trong và ngoài xã. Các sản phẩm tranh thêu đa dạng, từ phong cảnh làng quê, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tranh cổ... đến phong cảnh, con vật hiện đại. Thu nhập của gia đình chị trừ chi phí hàng năm đạt từ 80 - 120 triệu đồng. Từ chỗ đi làm thuê, đến năm 2015, gia đình chị đã có 4 cơ sở thêu gia công, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, chị đã tập trung đầu tư về cơ sở Ninh Nhuần, tự làm chủ, từ khâu mua vải, chỉ, ký kết hợp đồng trực tiếp với các mối bỏ qua khâu trung gian, chủ yếu là hàng cao cấp tranh ảnh, áo dài Sài Gòn. Ngoài ra, chị còn quản lý hàng trăm lao động vệ tinh các mặt hàng đơn giản và mới như hàng thêu đính đá....

Hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu, chị Nhuần luôn tâm niệm: Muốn giữ nghề truyền thống, phải nhanh nhạy với thị trường, nắm bắt nhu cầu của khách hàng, giữ chữ "tín" với bạn hàng, thường xuyên nâng cao tay nghề cho người lao động. Bản thân chị không ngừng học tập nâng cao kiến thức quản lý, tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ. Năm 2010 - 2011, sản phẩm thêu của gia đình chị được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Chị Đỗ Thị Lành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Lãng cho biết: Chị Nguyễn Thị Nhuần là người "giữ lửa" nghề thêu truyền thống của quê hương, không những giúp gia đình chị có của ăn của để mà còn tạo việc làm cho hàng trăm chị em khác. Chị là hội viên gương mẫu, luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội cũng như của địa phương, đồng thời luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với chị em, giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng danh hiệu "Phụ nữ tiên tiến xuất sắc".

Hải Duyên
(Đài TTTH Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày