Chủ nhật, 28/07/2024, 21:14[GMT+7]

Người giữ hồn Tết Trung thu

Chủ nhật, 11/09/2016 | 15:59:27
2,579 lượt xem
Một mùa Trung thu nữa lại về trong tiếng trống rộn ràng, đám trẻ mê mải thả hồn, nhún nhảy theo những điệu múa lân trên phố hay bên những chiếc đầu sư tử, đèn ông sao đủ màu lấp lánh. Những năm gần đây, khi đồ chơi Trung Quốc có phần lấn át đồ chơi nội trong mỗi dịp Tết Trung thu thì có những người hàng ngày bằng niềm đam mê cháy bỏng giữ gìn bản sắc dân tộc vẫn cần mẫn, lặng thầm làm những chiếc đầu lân truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Tăng bên những đầu lân truyền thống.

Những năm 70 của thế kỷ trước, tuy đất nước còn chiến tranh và cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng mỗi dịp Trung thu về, trong ký ức của những người lớn tuổi xã An Lễ (Quỳnh Phụ) vẫn không quên hình ảnh những chiếc đầu lân được kỳ công dựng khung, phết giấy, vẽ màu mang thương hiệu cụ Lưu được múa vui trong hội trăng rằm.

Người xưa không còn nữa, An Lễ nay đã là xã nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Giữa khu thị tứ Ðồng Bằng buôn bán sầm uất, những ngày giáp Tết Trung thu như thêm rực rỡ sắc màu bởi một cửa hàng nhỏ bán đầu lân và những đồ chơi truyền thống của gia đình ông Nguyễn Văn Tăng. Trong căn nhà nhỏ bề bộn vật liệu làm đầu lân, bên chiếc máy khâu, bà Phạm Thị Yêng, vợ ông, cần mẫn đưa tay theo từng mũi kim để làm kịp chiếc áo cho con lân mà khách đã đặt. "Làm nghề này không hết việc nhưng đừng mong giàu, bởi làm phải có tâm" - ông Tăng mở đầu câu chuyện như thế. Tham gia công tác ở địa phương rồi về nghỉ sớm, tận dụng nhà mặt đường, gia đình ông cũng xoay đủ nghề để mưu sinh. Cái duyên để gắn bó với nghề làm đầu lân đến với ông như một sự tình cờ. Dịp Trung thu cách đây hơn thập kỷ, thấy có vải vụn bỏ đi, ông Tăng xin về để làm đầu lân cho trẻ con khu phố chơi. Tỷ mẩn tìm tre, dựng khung, may vải, gắn mắt..., hồi tưởng về những chiếc đầu lân được bố ông (cụ Lưu) làm từ những mùa Trung thu xa xưa ùa về khiến ông Tăng thêm chau chuốt cho sản phẩm đầu tay của mình. Chiếc đầu lân rất đẹp và có hồn, thành quả lao động gần tháng trời của ông góp vui cùng tết Trung thu được người dân đón nhận và đánh giá cao. Tiếng lành lan xa, ông nhận được đơn đặt hàng… Từ đó, ông gắn bó với nghề lúc nào không hay.

Trong suy nghĩ của ông Tăng, con lân là biểu tượng của niềm vui, may mắn và thịnh vượng nên chữ tâm với sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Ông không nhận làm nhiều, mỗi năm chừng vài chục cặp nhưng tất cả những sản phẩm giao cho khách phải đạt chất lượng và thẩm mỹ cao. Ðể làm một chiếc đầu lân truyền thống, đầu tiên phải tìm được tre dựng khung ưng ý. Tre có nhiều loại nhưng ông chỉ chọn mua tre tháng 11 vào tiết trời hanh khô, tre không bị mối mọt, dùng nhiều năm vẫn chưa hỏng. Tiếp đến là dựng khung, đây là công đoạn khó nhất đòi hỏi tư duy về hình khối của người thợ, nếu khung không cân xứng đầu lân sẽ bị lệch và thiếu tính thẩm mỹ. Phát hiện một chi tiết nhỏ không như ý, ông Tăng sẽ tháo ra và làm lại khung từ đầu. Ðiều đặc biệt trong mỗi sản phẩm của ông Tăng khiến người mua ưng ý đó là đầu lân cầm trên tay rất nhẹ, các cơ, khớp được bố trí hợp lý, cử động linh hoạt, không gian bên trong rất rộng khiến người múa lân có cảm giác thoải mái khi múa những điệu khó. Khác với những sản phẩm thông thường được độn giấy pha vải, toàn bộ sản phẩm ông Tăng làm đều được phủ hoàn toàn bằng vải, mỗi lớp vải được căn và khâu bằng tay chính xác để không bị xô lệch, giữ được độ bền qua thời gian. Nếu phần khung được coi là cốt thì phần phủ trang trí bên ngoài được người thợ thổi hồn bằng những nét riêng đặc trưng, chỉ cần nhìn qua người chơi có thể nhận ra trình độ của nghệ nhân. Ðể tạo được thương hiệu cho sản phẩm của mình, có những chi tiết nhỏ nhưng nhiều đêm ông Tăng trăn trở, suy nghĩ. Phần hồn của đầu lân khó nhất ở đôi mắt, thử qua nhiều chất liệu, cuối cùng ông dùng xốp gọt thành hình đôi mắt, bọc một lớp ni lông bên ngoài, sơn phủ sau đó vẽ mắt bằng tay, mi mắt được làm riêng, có cơ cử động mắt chớp mở rất linh hoạt. Một điều đặc biệt khác khiến người xem và mua ưng ý, đó là nhìn vào đầu lân do ông Tăng làm sẽ dễ dàng nhận ra ngay một sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Ðầu lân được làm nhẹ và cân đối, các chi tiết không rườm rà, đôi mắt lân hiền từ, thân thiện nhưng vẫn toát lên vẻ oai nghiêm, ngay dưới mắt lân là hình ảnh hoa văn trống đồng Ðông Sơn vẽ cách điệu tạo cảm giác gần gũi với người xem.

Từ thị tứ Ðồng Bằng, sản phẩm đầu lân của ông Tăng đã vươn đi các địa phương trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Phòng… để góp vui trong mỗi dịp lễ, tết của người dân. Từ thôn Bồn Thôn, xã Trung An (Vũ Thư), anh Trịnh Văn Huy đã sang An Lễ để chọn mua đầu lân của ông Tăng, anh Huy cho biết: Phong trào múa lân của thôn Bồn Thôn rất phát triển, toàn thôn có 6 đầu lân thì có 3 chiếc mua của ông Tăng. Sản phẩm của ông làm bền, đẹp, giữ nét truyền thống dân tộc nên chúng tôi rất ưng ý. Một lần sang Thái Bình chơi, chị Lưu Thị Ngọ ở xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã bị cuốn hút và mua những sản phẩm đầu lân của ông Tăng. Chị Ngọ cho biết: Ông Tăng là người sống tình cảm, có kiến thức uyên thâm và tay nghề cao; đặc biệt, sản phẩm của ông tuy làm thủ công nhưng rất đẹp và chất lượng. Không chỉ làm đầu lân, ông Tăng còn làm đủ bộ tứ linh phục vụ nhu cầu múa lễ hội. Từ những sản phẩm nhỏ cần nhiều chi tiết như con hạc hay đồ sộ như con rồng với nhiều khớp nối dài hơn 20m đều được ông cần mẫn làm thủ công qua nhiều ngày.

Trong căn nhà nhỏ, người đàn ông tuổi gần lục tuần với niềm vui và đam mê giữ nghề truyền thống của cha ông vẫn hàng ngày tỷ mỷ theo từng mũi kim, từng nét vẽ để những chiếc đầu lân kịp xuống đường hòa mình đón Trung thu đang đến.

Trịnh Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày