Thứ 2, 12/05/2025, 12:36[GMT+7]

Thầm lặng những người thợ điện

Thứ 6, 16/09/2016 | 09:35:48
5,849 lượt xem
Ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả bão giông, chỉ cần chuông điện thoại reo, khi đầu dây bên kia báo mất điện là các anh - những người thợ điện lại lên đường khắc phục sự cố. Cũng như bao nghề khác, các anh khoác lên mình bộ đồng phục cam vàng của ngành điện với công việc thầm lặng mà nhiều người tưởng như rất đơn giản. Nhưng khi trải nghiệm cùng các anh mới thấu hiểu những vất vả, khó khăn và vô cùng nguy hiểm để giữ cho nguồn điện luôn bảo đảm, thắp sáng mọi miền quê.

Công nhân Điện lực thành phố Thái Bình sửa chữa trạm biến áp xã Phú Xuân.

Có dịp cùng những người thợ đường dây của Điện lực thành phố Thái Bình rong ruổi trên nhiều tuyến đường, ngõ xóm xử lý sự cố trong những ngày nắng hè 39 - 40oC hay mưa bão vừa qua, tôi mới thấm thía hết những gian nan, vất vả mà các anh đã phải "nếm" trong suốt bao năm công tác. Bất kể dù mưa hay nắng, dù sáng sớm hay đêm khuya, các anh vẫn thầm lặng bám trụ cùng những tuyến đường dây, cùng vị trí cột, với từng chiếc cờ lê, mỏ lết, kìm, kẹp... để phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố dù là nhỏ nhất. Công việc xử lý sự cố cũng giống như chăm sóc con nhỏ, chỉ cần chậm một phút là nhiều nhà phải chờ điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất. Vì vậy, làm công việc này thì tinh thần lúc nào cũng phải sẵn sàng và khẩn trương, chỉ cần "gọi là chạy". Tất cả chỉ bởi một lẽ rất giản đơn là sự an toàn, thông suốt và bình yên của dòng điện. Nhớ lại những lần trực bão, anh Lê Bảo Hoàn, công nhân Điện lực thành phố vẫn không khỏi bồi hồi: Cứ những ngày mưa bão, anh em chúng tôi lại ứng trực 100% quân số, 24/24 giờ. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, lương thực, thực phẩm để chống bão, vậy mà có những đêm vẫn đói cồn cào, lạnh tái tê vì dầm mưa… Còn chuyện ăn bánh mì, mì tôm trực bão thì là chuyện hết sức bình thường. Bão số 1 vừa qua, anh em phải trực sự cố thâu đêm suốt sáng. Nghe tiếng gió rít ù ù, mưa như trút nước, tâm trạng đứng ngồi không yên… 3 giờ sáng ngày 28/7, trời vừa ngớt gió, mưa vẫn xối xả, chúng tôi đã có mặt trên tất cả các cung đường để kiểm tra hệ thống đường dây, cột điện. Gian nan, vất vả là vậy nhưng rất đỗi tự hào, vui sướng mỗi khi xử lý xong sự cố và nghe thấy tiếng reo phát ra từ mọi nhà "có điện rồi, có điện rồi". Hình ảnh người công nhân treo mình trên cột điện, mong manh trong chiếc áo vàng cam với bao hiểm nguy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Bác Đoàn Thị Lụa ở tổ 2 phường Quang Trung, thành phố Thái Bình kể: Chưa đầy 15 phút kể từ khi tôi gọi vào tổng đài 19006769, các anh thợ điện đã có mặt và nhanh chóng tìm ra sự cố do nguồn điện chập trong nhà. Mặc dù phần sau công tơ là do khách hàng tự quản lý nhưng các anh vẫn vui vẻ và nhiệt tình sửa chữa để có điện. Ngoài ra còn cẩn trọng dặn chúng tôi phải sử dụng như thế nào cho an toàn và tránh xảy ra sự cố.

Giám đốc Điện lực thành phố Phạm Ngọc Hào cho biết: Bão số 1 vừa qua với sức gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12 - 15 kèm theo mưa lớn đã làm gãy đổ hàng trăm cột điện, đứt hàng nghìn mét đường dây trung thế và hạ thế, hư hỏng nhiều tủ điện, hộp công tơ, xà, sứ, trạm biến áp. Phải mất gần nửa tháng, đơn vị mới khắc phục xong. Kể cả thời gian chuẩn bị "đón" bão trước đó cộng với trực bão về, tức là hơn nửa tháng toàn bộ anh em điện lực đội gió, dầm mưa… mà vẫn phải khỏe, mà không dám ốm, không được ốm. Chúng tôi luôn xác định rõ, giữ dòng điện ổn định, thông suốt phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, dù là khó khăn, nhưng cũng chính là niềm vinh dự lớn. Bởi vậy, chỉ vài giờ sau khi bão tan, Điện lực thành phố đã cấp điện trở lại cho một số cơ quan, đơn vị quan trọng của tỉnh, thành phố; 18 giờ ngày 28/7 cơ bản cấp điện cho khu vực nội thành và cấp điện đến 100% trạm biến áp vào ngày 1/8. Với những cán bộ, công nhân viên ngành điện, khái niệm chia ca trực bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Trực đêm, trực bão, trực giao thừa, trực sự cố, trực bảo đảm điện cho các sự kiện quan trọng… Mỗi người dân, vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của đất nước, ngày tết cổ truyền của dân tộc là lúc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và sum họp gia đình thì với công nhân ngành điện đây lại là thời gian làm việc căng thẳng nhất và trách nhiệm phải đặt lên cao nhất. Những ngày hè nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến khiến cho nhân viên các ca trực phải liên tục xử lý sự cố từ nhảy aptomat hòm công tơ của các hộ gia đình, cột điện cháy đến quá tải cục bộ một nhánh ở trạm biến áp. Trong khi người người tìm bóng mát để tránh nắng nóng, thì đâu đó vẫn thấp thoáng những bóng áo da cam miệt mài trên các cột điện bỏng rát để sửa chữa bảo đảm nguồn điện phục vụ người dân thành phố. Và rồi trong cái lạnh tái tê, nhiệt độ ngoài trời xuống 6 - 7oC, khi mọi người ngon giấc dưới mái ấm gia đình thì những người thợ điện lại chạy đua cùng đêm tối để khắc phục sự cố. Nhưng vất vả nhất vẫn là những ngày xử lý sự cố sau bão. Bữa cơm gia đình thường vắng bóng người cha bởi khi các anh trở về nhà thì các con đã ngon giấc và ra khỏi nhà khi bình minh chưa lên…

Ngoài những giây phút mệt mỏi, vất vả, bao người thợ đường dây vẫn giữ cho mình lòng yêu đời, tinh thần lạc quan bởi cái nghề ấy đã trở thành một niềm yêu, niềm gắn bó để mỗi ngày trôi qua các anh lại miệt mài mang ánh sáng của dòng điện len lỏi trong từng dãy phố, làng quê, từ thành thị đến những vùng sâu vùng xa.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày