Thứ 3, 23/07/2024, 00:24[GMT+7]

Nhớ một người thầy

Thứ 5, 10/11/2016 | 09:14:09
6,664 lượt xem
Khi nói về ngành ngoại khoa Việt Nam hẳn ai cũng nhớ tới một tên tuổi lớn là Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng. Và hiển nhiên trong sự nghiệp trồng người lẫy lừng của Giáo sư có không ít học trò thành đạt, trong đó có GS. TS. NGND Đỗ Đức Vân - người mà mỗi khi nhắc tới đều làm cho các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức, Trường Đại học Y Hà Nội và nhiều thế hệ học trò khâm phục về tài năng, kính trọng về đạo đức.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

GS. TS. NGND Đỗ Đức Vân sinh năm 1936, quê gốc Lý Nhân, Hà Nam. Năm 1954, ông theo học Trường Đại học Y Hà Nội. Khóa học 1954 - 1960 được xem là "thế hệ vàng" với nhiều tên tuổi lớn trong ngành Y như GS. TSKH Lê Nam Trà - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, GS. TSKH. Anh hùng lao động Lê Đăng Hà - nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trung ương, GS. Đặng Hanh Đệ - người đặt nền móng cho phẫu thuật tim mạch Việt Nam, GS. TS Nguyễn Đình Hối - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh… Chính thế hệ vàng này đã đào tạo nên những lớp sinh viên y khoa nổi danh trong ngành ngoại khoa sau này như Nguyễn Tiến Quyết, Hà Văn Quyết, Phạm Đức Huấn, Trịnh Hồng Sơn, Trần Bình Giang, Đỗ Văn Tráng…

Tôi là một nghiên cứu sinh may mắn được theo học GS. TS Đỗ Đức Vân khi đã hơn 50 tuổi. 4 năm theo học đã mang lại cho tôi không chỉ về chuyên môn ngành Y mà còn nhiều điều giá trị trong cuộc sống. Là nghiên cứu sinh lớn tuổi nên tôi có phần được thầy giáo ưu ái. Những hôm nghe thầy giảng và bận tra cứu tài liệu tại thư phòng gia đình thầy ở số nhà 155, phố Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trễ giờ, tôi được thầy cô mời ở lại ăn cơm cùng - những bữa cơm bình dị, ấm cúng mãi in đậm trong tâm trí tôi.

Là nghiên cứu sinh nên chúng tôi đặc biệt được thầy truyền thụ kiến thức về phương pháp nghiên cứu. Thầy Vân tâm sự: Tôi thấm thía với điều này lắm. Trong một lần sau khi báo cáo về phương pháp cắt gan khô ở nước ngoài, trở về nước, Giáo sư Tôn Thất Tùng có nói với các học trò: "Y học của chúng ta chưa thật chú trọng tới phương pháp nghiên cứu y học lâm sàng". Thế rồi sau đó Giáo sư Tùng đã giao cho hai học trò và cộng sự là thầy cùng thầy Nguyễn Đình Hối nghiên cứu sâu về vấn đề này. Thầy Đỗ Đức Vân luôn trăn trở về phương pháp nghiên cứu y học lâm sàng, thầy đã nghiên cứu, luôn cập nhật các thông tin để giảng dạy phương pháp nghiên cứu và đạo đức trong nghiên cứu y sinh học. Những bài giảng của thầy thật vô cùng hữu ích đã giúp học trò nhìn nhận vấn đề biện chứng hơn, kể cả khi họ xa thầy tỏa đi các nơi làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và chữa bệnh. Cách nhìn nhận toàn diện đó đã được ươm gieo, nhân lên ở khắp nơi…

Cuộc đời GS. TS. NGND Đỗ Đức Vân với nhiều thành tựu lớn trong đào tạo, nghiên cứu (thầy là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ) và chữa bệnh, các công trình của thầy đã được viết thành sách, như: Bệnh học ngoại khoa tập I, II, Triệu chứng học ngoại khoa, Phẫu thuật cắt thần kinh X trong điều trị loét dạ dày tá tràng, Xử vết thương chiến tranh, Thủ thuật cơ bản, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện… Có cuốn thầy viết, có cuốn cùng viết với đồng nghiệp chuyên ngành. Trong đó một số cuốn đã trở thành cẩm nang "gối đầu giường" của nhiều thế hệ sinh viên và các y bác sĩ trong cả nước. Đồng thời, thầy còn là giáo sư hướng dẫn chính cho hàng chục bác sĩ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đặc biệt hơn, xét năng lực cụ thể của từng người, thầy Đỗ Đức Vân đã hướng học trò của mình nghiên cứu từng lĩnh vực chuyên sâu của ngành Ngoại khoa. Hiện nay, có các giáo sư rất giỏi, tận tâm với nghề, đầu ngành về từng lĩnh vực chuyên sâu như: GS. TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Việt Đức, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật nội soi châu Á - không ngừng nỗ lực phấn đấu khẳng định vị thế của ngành phẫu thuật nội soi Việt Nam với bạn bè thế giới. GS. TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - ông là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tiêu hóa của Việt Nam và là thành viên chính thức của Hội Phẫu thuật Pháp, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. GS. TS Trịnh Hồng Sơn đã tổ chức và trực tiếp thực hiện thành công ghép tạng xuyên Việt. PGS. TS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - bậc thầy của phẫu thuật tạo hình, hoặc thay thực quản điều trị ung thư thực quản….

Với nghề y, những thành tích kể trên mới là một phần. Nhưng đáng quý nhất, đáng để người đời tri ân nhất phải là thành công trên giường bệnh, đó là thực hành chữa bệnh cứu người. Hàng nghìn sinh mệnh đã được cứu sống từ trí tuệ, tấm lòng và đôi bàn tay vàng của người giáo sư, bác sĩ ngoại khoa tài giỏi Đỗ Đức Vân. Hơn ai hết, những người bệnh cùng học trò của thầy mới thấu hiểu được những thành tựu về y học, cùng tấm lòng lương y như từ mẫu mà thầy đã cống hiến cho ngành ngoại khoa Việt Nam, cho cuộc đời này.

Cuối thu, trên ban công của phòng làm việc riêng cùng mấy chậu hoa bình dị ở bên khiến tôi nhớ về không gian nhà thầy. Gian phòng khách bài trí đơn sơ, dường như mấy mươi năm qua vẫn là những vật chứng thời gian chung thủy của gia đình thầy cùng bạn bè và bao lớp học trò. Riêng thư phòng thì mỗi ngày lại thêm một điều mới, đó là những luận án, những cuốn sách. Sách như người bạn đời thứ hai của thầy, bên cô, người vợ hiền, thủy chung, sớm chiều chăm lo cho thầy cùng những người con. Những hàng sách luôn được sắp xếp ngay ngắn, sạch sẽ, nền nếp trên giá hẳn có bàn tay với tấm lòng cô ở đó. Vợ chồng thầy có hai người con trai và thật vui, hai anh đều nối nghiệp nhà, một đã là PGS. TS, một là TS. BS và cả hai đều theo chuyên ngành ngoại khoa.

Đã có biết bao trang sách, câu thơ viết về công ơn thầy cô. Với tôi, mãi mãi in đậm một dấu ấn: "Thời gian dẫu bạc mái đầu, tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy".

BSCKII Đỗ Trọng Tuyết
(Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lâm Hoa)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày