Thứ 4, 24/07/2024, 22:37[GMT+7]

Mái ấm tình thương của một phụ nữ Công giáo

Thứ 4, 28/12/2016 | 08:19:20
5,617 lượt xem
Những cháu nhỏ sống trong mái ấm tình thương không chỉ được chăm bẵm, yêu thương mà còn được đi học, hưởng đầy đủ các chính sách về giáo dục, y tế. Ngoài giờ đi học ở trường, ở nhà, các cháu được chỉ bảo tận tình, kèm cặp thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Các cháu nhỏ trong mái ấm tình thương được học hành, quan tâm, chăm sóc.

 

Xuất phát từ lòng nhân ái, yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, sơ Ðặng Thị Nụ, người Giáo họ Thụ Ðiền thuộc Giáo xứ Tràng Quan (xã Ðông Ðộng, huyện Ðông Hưng) đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm góp sức xây dựng mái ấm tình thương để nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa và trẻ mồ côi, khuyết tật.

Khác với bạn bè của mình sau khi tốt nghiệp đại học đều mong muốn có công việc ổn định và xây dựng mái ấm hạnh phúc riêng cho bản thân, sơ Nụ lại đi khắp nơi giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Thời gian đầu, sơ tìm đến tận nhà chăm sóc những người già ốm đau, sống cô đơn, không ai chăm sóc. Ði nhiều nơi, gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, sơ luôn ấp ủ trong lòng phải làm gì để giúp đỡ họ và ý nghĩ xây dựng một mái ấm tình thương xuất phát từ đó. Cuối năm 2010, sơ Nụ về địa phương xin cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ, cho phép xây dựng cơ sở để đón những người có hoàn cảnh éo le, lang thang, cơ nhỡ về nuôi dưỡng, chăm sóc. Trước tấm lòng nhân ái của sơ, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã ủng hộ về vật chất, động viên về tinh thần giúp sơ xây dựng ngôi nhà. Giữa năm 2011, ngôi nhà được hoàn thành và đón nhiều người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về sinh sống. Mái ấm tình thương của sơ Nụ nằm cạnh nhà thờ Thụ Ðiền ở thôn Bến Hòa, xã Ðông Ðộng, từ năm 2011 đến nay  nuôi dưỡng, chăm sóc 6 cụ già và 5 trẻ nhỏ. Ủng hộ việc làm của sơ, một số chị em đã đến phụ giúp công việc của mái ấm tình thương, mọi người đều coi các cụ già là mẹ, các cháu nhỏ là con, hết lòng yêu thương, chăm sóc. Cụ Nguyễn Thị Khánh ở xã Ðông Xuân (Ðông Hưng) sống trong mái ấm tình thương đã được 4 năm. Hoàn cảnh của cụ hết sức éo le, cụ không có nhà cửa, người thân, đã hơn 90 tuổi mà phải sống lang thang ở những khu chợ. Biết được hoàn cảnh của cụ, sơ Nụ đã đi tìm và đón về phụng dưỡng. Nay đã 96 tuổi nhưng cụ Khánh vẫn rất minh mẫn, cụ xúc động tâm sự: Sống ở đây tôi được mọi người quan tâm, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những lúc ốm đau có người chăm sóc, đỡ đần, được yên vui lúc tuổi già.

Cháu Sùng Thị Ghềnh, người dân tộc H’mông cũng được sơ Nụ đón về nuôi nấng. Cháu Ghềnh quê ở Yên Bái, bố mất sớm, mẹ phải một mình nuôi 6 người con, là chị cả trong gia đình, học hết cấp I mẹ cháu định gả con đi lấy chồng. Có người dân biết được việc làm nhân ái của sơ Nụ đã giới thiệu cháu Ghềnh đến mái ấm tình thương. Tại đây cháu được tiếp tục đi học như bạn bè cùng trang lứa. Cháu Ghềnh chia sẻ mong muốn của bản thân là được học hành đến nơi đến chốn, tìm được công việc ổn định, có thu nhập để sau này giúp sơ Nụ tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn.

Những cháu nhỏ sống trong mái ấm tình thương không chỉ được chăm bẵm, yêu thương mà còn được đi học, hưởng đầy đủ các chính sách về giáo dục, y tế. Ngoài giờ đi học ở trường, ở nhà, các cháu được chỉ bảo tận tình, kèm cặp thêm nhiều kiến thức bổ ích. Cô giáo Trần Thị Sim ở xã Mê Linh (Ðông Hưng) đã tình nguyện đến ngôi nhà chung giảng dạy cho các cháu gần một năm nay. Cô tâm sự: Vốn có kiến thức môn tiếng Anh nên tôi tranh thủ kèm thêm cho các cháu một tuần hai buổi. Ngoài những cháu sống trong mái ấm tình thương còn có nhiều cháu nhỏ ở trong thôn được cha mẹ gửi đến học cùng. Qua đánh giá của nhà trường, sau một thời gian được bồi dưỡng kiến thức ở đây thành tích học tập của các cháu có nhiều tiến bộ.

Ðể có điều kiện tốt nhất chăm lo cho mái nhà chung, sơ Nụ vẫn thường xuyên vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ bằng nhiều hình thức. Mọi người còn tích cực tham gia lao động sản xuất như cấy lúa, trồng rau, chăn nuôi để lấy lương thực phục vụ cuộc sống hàng ngày, bản thân sơ Nụ còn nhận may áo dài để có thêm thu nhập. Không chỉ lo toan, quán xuyến công việc ở mái ấm tình thương, sơ Nụ còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, sống tốt đời đẹp đạo, được mọi người quý mến. Tâm sự về dự định trong thời gian tới, sơ Nụ cho biết: Mong cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để có thể mở rộng cơ sở hạ tầng, đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh về chung sống trong mái ấm tình thương.

Ông Phạm Thanh Niên, Chủ tịch UBND xã Ðông Ðộng cho biết: Xây dựng mái ấm tình thương, nhận chăm sóc người yếu thế trong xã hội là việc làm nhân đạo nên cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho sơ Nụ hoàn thiện cơ sở vật chất và thủ tục đón nhận người về nuôi dưỡng, chăm sóc. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể địa phương cũng thường xuyên quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động phong trào “Hũ gạo tình thương”, vận động hội viên quyên góp, ủng hộ gạo cho mái ấm tình thương của sơ Nụ. Những người sống trong mái ấm tình thương đều được chăm sóc tận tình, hưởng các chế độ, chính sách xã hội; mọi hoạt động của cơ sở đều bảo đảm đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Mái ấm tình thương của sơ Ðặng Thị Nụ vẫn ngày ngày rộn rã tiếng cười trẻ nhỏ, ấm áp bởi những câu chuyện hàn huyên của các cụ già. Việc làm của sơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần được sự chung tay của cộng đồng xã hội nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

 Thanh Huyền

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày