Thứ 7, 23/11/2024, 05:24[GMT+7]

Người có đôi tay vàng

Thứ 2, 27/02/2017 | 10:27:08
2,308 lượt xem
Nắm giữ nhiều bí quyết của làng nghề chạm bạc cộng với đôi tay tài hoa và óc sáng tạo, ông Đinh Quang Thắng ở thôn Nam Hòa, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) đã cho ra đời nhiều sản phẩm tinh xảo, mang đậm chất thủ công, lưu giữ hồn cốt dân tộc.

Nhất nghệ tinh

Cầm chiếc kiếm trên tay, ông Thắng khoe với chúng tôi: Chiếc kiếm này là tác phẩm phục dựng nhưng tất cả kích thước, đường nét hoàn toàn đúng như chiếc bảo kiếm của cung đình Huế có tuổi đời trên 200 năm. Nó là đơn đặt hàng của ông Trịnh Bách, Việt kiều Bỉ tặng cho cung đình Huế.

27 năm làm nghề chạm bạc, ông Thắng không còn nhớ mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm mang tính “cổ vật” để góp sức trùng tu, phục dựng các di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông luôn tự hào vì đã làm cho Trường Quốc học Huế, đền Côn Sơn Kiếp Bạc, đình Chèm, chùa Cửa Bắc (Hà Nội), chùa Bái Ðính, Ðền thờ liệt sĩ tỉnh Thái Bình… thêm uy nghi, linh thiêng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Ðiều đó đủ thấy đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và kỹ thuật nghề của ông đã đạt tới mức điêu luyện và tinh xảo. Từng kỹ thuật của các công đoạn: trơn, đấu, đậu, chạm được ông sử dụng thành thạo, khéo léo để cho ra đời những sản phẩm mà với ông nó không đơn thuần là mặt hàng nghề thủ công mà là những tác phẩm có giá trị văn hóa đặc sắc.

Ông Thắng tận tình truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Nhìn đôi tay cầm chiếc chạm lướt đi nhẹ nhàng trên lá đồng mỏng như tờ giấy, hình ảnh làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, cảnh người dân họp chợ cứ dần hiện lên một cách sống động lạ thường, khác biệt với tất cả những bức tranh cùng thể loại của làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm. Chính sự đặc sắc của từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ đó nên các sản phẩm được khách hàng cả trong và ngoài nước tìm đến đặt mua, nhờ thế, gia đình ông Thắng ngày càng tăng thu nhập và yên tâm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương. Cơ sở chạm bạc của gia đình ông Thắng luôn đạt doanh thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Cháy với nghề

Sinh ra ở làng nghề truyền thống chạm bạc Ðồng Xâm, năm 1977, ông Thắng tình nguyện đi thanh niên xung phong vào đơn vị Tổng đội tiền trạm 1 ở tỉnh Sông Bé. Năm 1985, ông chuyển sang bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia đến năm 1990. Dù rời quê hương nhưng suốt những năm công tác ở Sông Bé và ở Campuchia, ông Thắng chưa bao giờ vơi niềm đam mê với chạm bạc. Ðể thỏa mãn khát khao đó, mỗi khi bắt gặp chiếc nắp phích hay vỏ ống pháo sáng, ông lại mày mò chế tạo dụng cụ để chạm trổ. Cầm chiếc ca được làm từ vỏ ống pháo sáng, ông Thắng bộc bạch: Ðây là món quà kỷ niệm mà tôi đã gò và chạm khắc hình ảnh đất nước bạn Campuchia. Nó đã theo tôi hơn 30 năm nay như một vật báu, kỷ niệm của đời lính với nhiều gian nan, vất vả.

Năm 1990, ông Thắng xin xuất ngũ về phục viên. Trở lại quê hương đúng lúc HTX chạm bạc Ðồng Xâm tan rã, nhiều người bỏ nghề, số còn lại cố duy trì sản xuất theo hộ gia đình và hàng hóa bán theo cân. Xót xa trước nghề truyền thống hàng mấy trăm năm của làng có nguy cơ mai một, ông quyết tâm tìm mọi cách để lưu giữ và phát triển nó. Ban ngày mải mê với công việc sản xuất, đêm đêm ông chong đèn nghiên cứu tài liệu và sáng tạo ra những mẫu mã mới độc đáo để làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt, ông còn dành thời gian đi đến các đình, chùa, nhà thờ, các công trình di tích lịch sử văn hóa ở khắp nơi trong cả nước nghiên cứu các đường nét, hoa văn cổ để tìm cách ứng dụng đưa vào sản phẩm chạm bạc của mình. Cùng với thời gian, tay nghề thêm điêu luyện, phông kiến thức rộng đã giúp cho ông Thắng làm ra những sản phẩm có một không hai, tinh xảo về đường nét, đặc sắc trong họa tiết làm mê đắm lòng người, rất có giá trị văn hóa và giá trị kinh tế cao.

Tiếng lành đồn xa, người làm nghề trong làng, cả những người yêu nghề ở nhiều nơi khác tìm đến ông để học hỏi. Ông Thắng không dấu nghề mà nhiệt tình trao đổi, chia sẻ để rồi cái nghề truyền thống vang danh một thuở tưởng chừng bị mai một nhưng lại vượt qua những thăng trầm của thị trường để tồn tại, phát triển đến ngày hôm nay.

Khát vọng

Ông Thắng là người mến khách, chân tình và hào phóng. Ông không ngần ngại mang tất cả những sản phẩm, cuốn sách viết về nghề mà chính tay ông viết từ kinh nghiệm bản thân cho chúng tôi xem và còn tặng chiếc đèn dầu mà theo ông giới thiệu nó giống hệt như chiếc đèn của Alađin ở vương quốc cổ Ba Tư. Ông bảo: Mình cho đi một sản phẩm là mình đã tự giới thiệu và quảng bá một tác phẩm của mình đến với nhiều người khác. Cho không có nghĩa là mất, mà nó được cái lớn hơn rất nhiều đó là thị trường tiêu thụ.

Ðược nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen và được Trung tâm Văn hóa doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng bảng vàng doanh nhân văn hóa nhưng ông Ðinh Quang Thắng vẫn không vui. Ðiều khiến ông buồn đó là hiện nay làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm mải chạy theo cơ chế thị trường, đưa máy móc vào làm một cách ồ ạt và đang mất dần độ tinh túy, đặc sắc của một nghề thủ công. Ðồng nghĩa với đó là tay nghề và những kỹ thuật cổ truyền của ông cha cũng phôi pha dần và một lần nữa có nguy cơ đẩy làng nghề vào mai một. Ông luôn đau đáu khát khao được dạy nghề và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Mấy năm qua bản thân ông đã nỗ lực hướng dẫn, truyền nghề và tạo việc làm cho hơn 30 lao động. Nhưng với ông từng đó là chưa đủ để duy trì, phát triển, lưu giữ danh tiếng của làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm và níu giữ con em quê mình khỏi tha hương kiếm sống.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày