Thứ 6, 22/11/2024, 14:46[GMT+7]

Cụ Lê Thanh Bình đam mê đọc sách, báo

Thứ 4, 21/06/2017 | 08:22:04
1,492 lượt xem
Rất đam mê đọc sách, báo, nhất là Báo Thái Bình và Báo Người cao tuổi nên cụ Lê Thanh Bình, 88 tuổi, ở xã Đông Hợp (Đông Hưng), nguyên cán bộ Ty Văn hóa Thông tin, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nắm bắt thông tin rất nhanh nhạy, kịp thời. Những tờ báo có đăng bài giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả trong và ngoài tỉnh thu hút cụ Bình nhất. Với cụ, đọc để biết, đọc để chống lão hóa và đọc để giao lưu với những người viết ra cuốn sách đó.

Cụ Lê Thanh Bình với ấn phẩm Báo Thái Bình.

Cách đây vài năm, Báo Thái Bình đăng bài viết của tôi giới thiệu tập thơ “Hoa mộc tình quê” của Kim Nhung - Trịnh Thành. Cụ Bình viết thư gửi Kim Nhung: “Tôi đọc Báo Thái Bình, thấy có đăng bài giới thiệu tập thơ; tôi đã đi tìm hết mấy hiệu sách ở thị trấn Đông Hưng nhưng không thấy nơi nào bán, nếu Kim Nhung còn cuốn nào xin vui lòng gửi cho tôi một cuốn…”. Vợ chồng Kim Nhung - Trịnh Thành đọc xong bức thư của cụ Bình cảm động lắm. Họ đèo nhau bằng xe máy từ Bách Thuận (Vũ Thư) sang Đông Hợp (Đông Hưng) thăm cụ Bình và tặng cụ cuốn sách mà cụ đang mong mỏi. Lúc về, Thành và Nhung rẽ vào nhà, cho tôi xem bức thư và kể cho tôi nghe chuyện sang Đông Hợp. Giọng Nhung vẫn còn xúc động: Cụ Bình vui lắm. Những người biết yêu quý, trân trọng từng con chữ như cụ rất đáng được mọi người kính nể.

Xem truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng và trao giải cho các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật viết về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thấy tác phẩm “Hồng Ngọc” của tôi được tặng bằng khen, cụ Bình viết thư chúc mừng. Ngày 10/1/2017, cụ viết thư cho tôi, thư có đoạn: “Tôi đọc Báo Thái Bình số xuân 2017, thấy nhà báo Phi Thành, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình giới thiệu sách “Đam mê nghề báo”, nếu đồng chí còn lưu giữ tập “Hồng Ngọc” và “Đam mê nghề báo” xin gửi cho tôi mượn đọc trong dịp tết này. Tôi hiện nay tuy mắt mờ, chân chậm, tai nghễnh ngãng nhưng mỗi ngày ít nhất cũng đọc từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút, có gì đọc nấy để chống lão hóa đấy đồng chí ạ…”. Tôi gửi biếu cụ cuốn “Hồng Ngọc” và cuốn “Đam mê nghề báo” kèm theo một lá thư vừa là chúc tết vừa để cảm ơn cụ. Thật đáng trân trọng những người như cụ Bình, 88 tuổi rồi, bị tai biến mà vẫn đam mê đọc sách, báo. Với cụ, đọc sách, báo giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày, thiếu nó là không được. Cụ là tấm gương mẫu mực về văn hóa đọc cho lớp trẻ. Con, cháu cụ rất tự hào về người cha, người ông mẫu mực của mình.

Lại nói về chuyện gửi sách tặng cụ Bình. Mấy ngày sau tôi nhận được thư bảo đảm gửi từ Đông Hợp đến. Cụ Bình cảm ơn tôi và kể rằng, ở quanh nhà cụ có mấy cán bộ hưu trí cũng đam mê đọc sách, báo chẳng kém. Cụ Bình đọc xong cuốn sách nào là chuyển ngay cho những người bạn như ông Đỗ Cao Trìu, ông Đào Mạnh Thuần… Đặc biệt, nhóm đọc sách của cụ Bình (khoảng 5 - 10 cụ từ 75 đến trên 80 tuổi) có một quy ước rất văn hóa: Ai đọc xong cuốn sách nào cũng đều viết nhận xét về cuốn sách đó gửi cho tác giả. Ông Đỗ Cao Trìu rất cẩn thận đánh máy vi tính hẳn 2 tờ A4, nêu rõ nhận xét của mình và thẳng thắn góp ý với tác giả những điều chân tình nhất.

Thiết nghĩ, nếu tất cả các bậc cao niên đều đam mê đọc sách, báo như cụ Lê Thanh Bình, ông Đỗ Cao Trìu, ông Đào Mạnh Thuần và nếu xã nào, thôn nào cũng có những nhóm bạn đọc sách như các cụ thì văn hóa đọc nhất định thăng hoa.

Cao Bá Khoát

(Tự Tân, Vũ Thư)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày