Thứ 6, 22/11/2024, 14:10[GMT+7]

Tỏa sáng tấm lòng những người vợ, người mẹ

Thứ 3, 18/07/2017 | 14:52:50
2,273 lượt xem
Đất nước có chiến tranh, những người vợ, người mẹ đã gạt tình cảm riêng, động viên chồng, con lên đường ra trận dù biết chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng người thân của họ. Hòa bình lập lại, nhiều người trong số họ không có cơ hội gặp lại người thân. Mất mát đau thương chồng chất nhưng bằng nghị lực phi thường, những người vợ, người mẹ ấy đã vượt lên khó khăn làm trụ cột gia đình trong phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương.

Bà Đỗ Thị Tỵ trên con đường nông thôn mới do gia đình bà và hàng xóm hiến đất.

Mẹ liệt sĩ hiến gần 100m2 đất xây dựng nông thôn mới

Đến thôn Cổ Lễ, xã Hồng Minh (Hưng Hà) hỏi thăm gia đình bà Đỗ Thị Tỵ, mẹ liệt sĩ Bùi Ngọc Mừng ai nấy đều biết đến gia đình bà như một tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Cách đây hơn 10 năm, con đường liên thôn nơi ông bà cùng các con sinh sống rất hẹp, rộng chưa đến 1m, gạch đá nhấp nhô. Mùa mưa lầy lội khiến người dân đi lại khó khăn, các em nhỏ đến trường cũng không được an toàn. Khi Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường, mở rộng lòng đường, gia đình bà Đỗ Thị Tỵ xung phong hiến đất. 

“Khi địa phương phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường làng ngõ xóm, gia đình tôi rất vui và đồng ý hiến đất. Địa phương xin khoảng 100m2, tôi bảo muốn bao nhiêu đất tôi cũng hiến miễn là con đường được thông thoáng, sạch đẹp” - bà Đỗ Thị Tỵ chia sẻ. 

Ngoài hiến gần 100m2 đất, gia đình bà còn kêu gọi con cháu đóng góp 36 triệu đồng ủng hộ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 

Chính tấm gương của gia đình bà Đỗ Thị Tỵ đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức của nhiều hộ dân trong vùng. Phong trào nhà nhà hiến đất trong thôn, trong xã ở Hồng Minh ngày càng lan rộng, từ thanh niên đến các bậc cao niên ai cũng sẵn sàng góp công, góp của để những con đường nông thôn thêm phần khang trang, rộng rãi. Việc làm thiết thực của gia đình bà Đỗ Thị Tỵ đã tạo được sự tín nhiệm của người dân xung quanh. Từ đó, ông bà đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã tự nguyện đóng góp sức người sức của xây dựng nông thôn mới.

Chị Phạm Thị Ngắn dạy nghề cho lao động nông thôn.

Vợ liệt sĩ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động

Năm 1971, người con gái thôn quê Phạm Thị Ngắn và chàng trai Nguyễn Quang Vinh ở xã Tây An (Tiền Hải) đến với nhau bằng một đám cưới giản dị. Sống với nhau vừa được một tháng, anh xung phong ra trận, một mình chị ở nhà chăm sóc mẹ già và các em. Anh bị thương nặng phải ra Bắc điều trị rồi về phục viên sinh sống tại quê hương. Năm 1986, vết thương ở mắt và mảnh đạn trong đầu của anh tái phát, anh đã ra đi để lại cho chị bốn con nhỏ dại. 

Sống ở nơi mà cuộc sống chỉ trông chờ vào cây lúa, mớ rau nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Ở địa phương có nghề đan bao sợi cói nhưng qua nhiều năm đã bị mai một. Với ý nghĩ không để cái đói, cái nghèo bám mãi, người vợ liệt sĩ ấy đã quyết định khôi phục lại nghề truyền thống. Năm này qua năm khác, chị không quản ngại vào Nam, ra Bắc học hỏi, tay trắng khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ. Với bản lĩnh và nghị lực phi thường, chị đã chèo lái, đưa doanh nghiệp của mình từng bước đứng vững trên thương trường, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn, trong xã. 

Sau hơn 10 năm hoạt động, hiện nay các cơ sở của doanh nghiệp đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật…, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động nông thôn ở khắp các địa phương trong tỉnh với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2016 của doanh nghiệp đạt trên 40 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 30 tỷ đồng. 

Khi doanh nghiệp phát triển, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của các gia đình liệt sĩ, người có công, doanh nghiệp của chị tiếp tục mở rộng tổ chức dạy nghề miễn phí cho con em gia đình chính sách, hộ nghèo, tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Ngoài ra, hàng năm, vào dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ, doanh nghiệp đều trao tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình chính sách với số tiền từ vài chục triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mẹ liệt sĩ Đỗ Thị Tỵ, vợ liệt sĩ Phạm Thị Ngắn chỉ là hai trong số hàng nghìn người mẹ, người vợ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Họ là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Dù đã phải trải qua hy sinh, mất mát song họ vẫn sẵn lòng bù đắp, sẻ chia niềm hạnh phúc, sự đủ đầy với cộng đồng. Tấm lòng của những người mẹ, người vợ ấy luôn tỏa sáng giữa đời thường.

Nguyễn Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày