Thứ 6, 22/11/2024, 14:26[GMT+7]

Vượt lên nỗi đau

Thứ 2, 14/08/2017 | 10:06:09
1,107 lượt xem
Vượt lên bệnh tật và nỗi đau da cam, ông Nguyễn Thế Dương ở thôn 1, xã Vũ Quý (Kiến Xương) trở thành hội viên cựu chiến binh làm kinh tế giỏi với thu nhập 160 triệu đồng/năm. Cũng thâm canh rau màu, cây ăn quả nhưng ông có cách làm giàu độc đáo.

Vượt lên bệnh tật và nỗi đau da cam, ông Nguyễn Thế Dương trở thành hội viên cựu chiến binh làm kinh tế giỏi.

Mỗi khi trái gió trở trời, chất độc da cam/ Điôxin lại hành hạ ông Dương khiến cơ thể rã rời, đầu đau như búa bổ, chân tay tê dại. Gần 40 năm qua ông phải chống chọi với những cơn đau của cơ thể cùng nỗi đau tinh thần vì đứa con trai ông mất và đứa cháu nội cũng bị ảnh hưởng của thứ chất độc khủng khiếp này. 

Ông Dương nhớ lại: Năm 1972 tôi nhập ngũ vào tiểu đoàn pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 187, Sư đoàn 316 bảo vệ đường 559 rồi lần lượt chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, Tây Ninh và cuối cùng đánh vào phía Bắc Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1978, do thường xuyên ốm đau, ông xin về phục viên. 

Trở lại quê hương, trước hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông tập trung vào làm kinh tế. Ước mơ thì nhiều nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép, lại phải nuôi con tật nguyền nên ông quyết định đi lên từ nông nghiệp. Ông bàn với vợ vay mượn tiền của anh em họ hàng xây dựng chuồng trại nuôi 6 con lợn nái để cung cấp lợn giống. Nhờ chăm sóc, phòng dịch bệnh tốt nên đàn lợn nái khỏe mạnh, sinh sản đều mỗi năm hai lứa, mỗi con một lứa đẻ từ 10 - 14 con. Sau 3 năm chăn nuôi thành công, có chút lưng vốn ông lại bàn với vợ mua, đấu thầu đất ruộng gần nhà và xin địa phương chuyển đổi để thâm canh rau màu và trồng cây ăn quả. 

Với tổng diện tích 1.500m2, ông dành 360m2 trồng ổi, 540m2 trồng rau màu còn lại đào ao nuôi cá và mở rộng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Không làm theo kiểu truyền thống mùa nào rau ấy, ông chủ động nghiên cứu, học hỏi qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng và một số mô hình trồng rau trái vụ. 

Ông Dương chia sẻ: Việc trồng rau trái vụ tuy tốn nhiều công chăm sóc nhưng có cái lợi là rau ít bị sâu bệnh, giảm được chi phí đầu tư và bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; quan trọng nhất là rau trái vụ dễ tiêu thụ và bán được giá cao hơn so với lúc chính vụ. Thâm canh 4 - 5 vụ/năm với các giống rau màu như bí xanh, cải các loại, su hào, súp lơ, mỗi năm ông Dương thu về 90 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng. 

Từ trồng rau trái vụ, ông Dương chuyển ý tưởng trồng ổi cho ra quả trái vụ cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông chia sẻ kinh nghiệm: Loại ổi Găng Đông Dư ra quả quanh năm, nếu để tự nhiên thì chỉ sau 5 năm cây sẽ thoái hóa và chết, vì vậy muốn cho cây phát triển bền và ra quả tập trung trái vụ thì việc đốn tỉa cành và chăm sóc dinh dưỡng cho cây là yếu tố quyết định. Việc đốn cành để cây mọc chồi và ra hoa, lúc ổi ra hoa phải tập trung bón phân gốc kết hợp dùng phân vi sinh phun bón qua lá để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả. Do trái vụ nên tránh được sâu bọ, côn trùng hại quả, quả đẹp và sạch nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. 

Chỉ với diện tích hơn 4 sào, từ chăn nuôi, trồng ổi và rau màu, trung bình mỗi năm ông Dương thu lãi hơn 100 triệu đồng, là hội viên cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Chẳng những làm cho kinh tế gia đình thoát nghèo, ngày càng phát triển, công việc chăn nuôi, trồng trọt còn mang lại niềm vui, xoa dịu nỗi đau da cam cho vợ chồng ông. 

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày