Thứ 6, 22/11/2024, 09:06[GMT+7]

Đi lên từ đôi chân khuyết

Thứ 4, 18/04/2018 | 09:49:23
1,715 lượt xem
Kém may mắn khi bị khuyết một phần cơ thể song không vì thế mà những người khuyết tật đầu hàng số phận. Đón nhận những khó khăn từ cuộc sống, nhiều người đã thoát khỏi bóng tối tật nguyền, từng bước vươn lên khẳng định mình. Chị Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở in của người tàn tật huyện Vũ Thư là một trong những người như thế.

Chị Nga photo tài liệu cho khách hàng.

Trở thành người khuyết tật sau một tai nạn giao thông năm 15 tuổi, chị Nga từng rơi vào trạng thái bi quan. Song những năm tháng bi quan, chán chường nhanh chóng lui vào quá khứ thay vào đó là sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên. Trong hành trình đi tìm tương lai tươi sáng, chị Nga bắt đầu học nghề. Cứ thấy nghề nào phù hợp với điều kiện sức khỏe là chị đăng ký tham gia. 

Chị Nga chia sẻ: Tôi học và làm rất nhiều nghề từ gia công vàng bạc đến may mặc, đan lát. Đến năm 1997 bắt đầu về cơ sở in làm công nhân. Điều kiện kinh tế khó khăn nên cơ sở in thời ấy thiếu thốn nhiều thứ. Máy móc không có nhiều, chủ yếu là in lưới. Trình độ nhân lực cũng có những hạn chế, khó cạnh tranh với các cơ sở in của người bình thường. Do vậy lượng khách hàng không nhiều, thu nhập của người lao động thấp. Để có thêm kiến thức, tôi tự đi học thêm máy tính và nghề in bên Nam Định. Hàng ngày, trên  chiếc xe đạp cũ, tôi vẫn đi hàng chục cây số để học nghề.

Năm 2001, chị Nga tiếp nhận và làm chủ cơ sở in với nhiều khó khăn, thách thức. Song với quyết tâm đổi mới, chị đã áp dụng bài toán lấy ngắn nuôi dài, mạnh dạn mua máy in màu, máy cắt, máy photo. Chất lượng in đẹp, lượng khách tìm đến ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là khách in nhỏ lẻ, số lượng ít. Để công nhân có việc làm, tăng thu nhập, chị Nga lại cùng đồng nghiệp đi xe máy rong ruổi sang Hải Phòng, Nam Định chào hàng. 

Chị Nga chia sẻ: Gặp tôi là người khuyết tật, nhiều người cũng thương nhưng thời buổi kinh tế thị trường, họ cần bảo đảm về chất lượng mới ký kết hợp tác. Sau khi bàn giao mẫu thử, một số cơ sở đã đặt in nhưng thời đó vẫn phải đến tận nơi nhận mẫu chứ chưa có mạng internet chuyển mẫu qua email như bây giờ.

Sau những năm tháng vượt khó, đến nay, cơ sở in của chị Nga đã có đủ những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc in các loại hồ sơ, giấy mời... Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó có 6 người khuyết tật với thu nhập trung bình từ 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài công việc in ấn, chị còn nhận gia công dây đeo, van khóa bình thuốc sâu cho một công ty trên địa bàn huyện. 

Anh Phạm Như Thế, công nhân tại cơ sở cho biết: 15 năm gắn bó với việc chạy máy in và đi giao hàng ở các tỉnh, dù công việc khá vất vả nhưng so với những việc khác, tôi thấy làm ở đây ổn định, thu nhập đều và được đóng bảo hiểm xã hội. Đa số chúng tôi là người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn nhưng mọi người đến làm việc đều vui vẻ, tự tạo cho nhau những tiếng cười để quên đi vất vả trong công việc thường ngày. Với vai trò là chủ cơ sở, chị Nga luôn tạo mọi điều kiện để anh chị em có thêm thu nhập đồng thời có quà động viên vào dịp lễ, tết. Chị là tấm gương đầy nghị lực về tinh thần vượt khó.

Trải qua một lần tai nạn giao thông lại thêm tai biến liệt nửa người bên trái nhưng chị Nga vẫn cố gắng để cơ sở in đứng vững trên thị trường. Hiện nhiều đơn vị trong huyện và một số công ty thường xuyên đến in ấn giúp người lao động tại cơ sở có việc làm. Tuy nhiên, với mong muốn để người lao động có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, chị Nga vẫn tiếp tục liên hệ và tìm tới những đơn vị, doanh nghiệp, mở rộng đơn hàng mới.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày