Thứ 7, 18/05/2024, 01:24[GMT+7]

Ông Sơn tích tụ ruộng đất

Thứ 2, 02/07/2018 | 09:02:05
3,670 lượt xem
Từ thành công ở vụ xuân, vụ mùa này, ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 7, xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương dự định thuê thêm đất, mở rộng diện tích cấy lúa, trồng ớt lên gần 9ha.

Qua giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương, chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, một trong những cá nhân mạnh dạn thuê đất cấy lúa, trồng ớt, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất đang được các cấp, các ngành khuyến khích. Cầm chắc thắng lợi ở vụ đầu tiên thuê đất khi lúa đã đầy bồ, ớt cho năng suất cao, vụ mùa này, ông Sơn thuê thêm gần 4ha, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất.

Thăm vùng sản xuất của ông Sơn, không ai nghĩ rằng trước kia đây là diện tích cấy lúa kém hiệu quả, bỏ hoang. Để có được một vụ mùa bội thu là biết bao mồ hôi, công sức của vợ chồng ông Sơn. 

Ông Hoàng Văn Thâu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Thắng cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xã Vũ Thắng đã tích cực tuyên truyền tới người dân. Hộ ông Nguyễn Văn Sơn là một trong những điển hình đi đầu của địa phương trong việc mạnh dạn thuê đất sản xuất nông nghiệp. Phía chính quyền, HTX luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, thời gian thuê đất cũng như hướng dẫn ông Sơn tiếp cận với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện trong tích tụ ruộng đất. Thành công bước đầu của mô hình sẽ động viên, khích lệ người dân trong xã nói riêng, phong trào tích tụ ruộng đất nói chung tiếp tục phát triển, làm giàu từ đồng ruộng.

Mô hình tích tụ ruộng đất của ông Sơn tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động.

Khi trên khắp cánh đồng, nông dân mới bước vào thu hoạch lúa, ông Sơn đã cầm chắc trong tay 30 triệu đồng tiền bán lúa Nhật tươi với giá 7.900 đồng/kg. Mỗi ngày, ông thuê từ 7 – 10 người thu ớt. 3ha ớt đến nay cho thu hoạch khoảng 10 tấn. 

Ông Sơn cho biết: Trước đây, hai vợ chồng tôi buôn bán hoa quả ngoài Quảng Ninh. Do có con làm tại một xưởng thu mua ớt tại huyện Quỳnh Phụ, được con chuyển giao kỹ thuật trồng, cam kết đầu ra ổn định nên tôi quyết định về quê thuê đất trồng ớt. 5ha ruộng thuê được từ diện tích đất 5% của UBND xã và một phần ruộng trũng, xa khó canh tác của người dân trong thôn, tôi đầu tư thuê máy xúc, đào đắp mương, bờ vùng bờ thửa, cải tạo lại hệ thống thủy lợi sẵn có để chủ động tưới, tiêu, thuận tiện cho giao thông đi lại. Do là vụ đầu tiên vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nên tôi quyết định trồng 3ha ớt, 2ha cấy lúa Nhật để xuất bán. Trang bị máy làm đất, máy gặt, máy lên luống, ngoài phục vụ sản xuất của gia đình, tôi còn làm đất, gặt thuê cho người dân quanh vùng.

Nhớ lại những ngày đầu khi ớt mới xuống đồng được vài ngày, mưa, rét làm cho ớt chậm phát triển, cả một vùng ớt lay lắt, vợ chồng ông không khỏi ngao ngán khi đầu tư gần 300 triệu tiền thuê đất, cải tạo ruộng, giống, phân bón… 

“Lúc ấy trong tâm tôi đã xác định không tính thu hoạch ở vụ đầu, coi như mình lấy ngắn nuôi dài, gỡ gạc những vụ sau” – ông Sơn chia sẻ. 

Nhưng rồi đất không phụ công người, ớt không chỉ sống mà còn cho năng suất vượt dự tính của ông, mỗi sào đạt khoảng 800kg. Giá ớt thay đổi từng ngày nhưng thấp nhất cũng đạt 12.000 – 15.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Sơn, mỗi sào ớt cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng, gấp 10 lần cấy lúa. 5ha ở vụ xuân mang lại cho ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cũng bởi chênh lệch về hiệu quả kinh tế, vụ tới, ông Sơn dự kiến sẽ giảm diện tích cấy lúa để chuyển sang trồng ớt.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Sơn còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 – 15 lao động vừa trồng, chăm sóc, thu hoạch ớt với thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng.

 Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày