Thứ 6, 22/11/2024, 08:44[GMT+7]

Tàn nhưng không phế

Thứ 2, 16/07/2018 | 08:18:45
1,485 lượt xem
Ở thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương), ông Hoàng Mạnh Hùng, thương binh hạng 2/4 dù chỉ còn một chân nhưng vẫn đi rất nhiều nơi, không việc gì là ông không làm được, là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó.

Ông Hùng chăm sóc vườn cây hồng xiêm giống.

Chúng tôi đến thăm ông Hùng vào một ngày đầu tháng 7. Vườn cây xanh tốt xum xuê khiến mọi người tạm quên đi nắng nóng có lúc lên tới 40 độ C. Với dáng người mảnh khảnh, ông Hùng chống nạng ra đón chúng tôi và nở một nụ cười thật hiền. Khi được hỏi, chỉ còn một chân có gặp nhiều khó khăn trong lao động sản xuất, ông Hùng hóm hỉnh: Mình có thêm hai cái nạng này thành ra là có ba chân mới đúng chứ. Có lẽ chính sự lạc quan ấy cộng với quyết tâm chiến thắng đói nghèo đã giúp ông vượt qua nhiều trở ngại và thành công trên con đường phát triển kinh tế.

Sau 3 năm điều trị, dưỡng thương và làm thủ tục hưởng chế độ thương binh, năm 1991 ông Hùng xuất ngũ về quê. Với đồng trợ cấp thương binh ít ỏi, người mang thương tật, lại phải nuôi bố mẹ già cộng với hai con nhỏ nên kinh tế gia đình quá gieo neo. Nhiều đêm mất ngủ, ông trăn trở: Làm gì để thoát nghèo? Sau khi đi nhiều nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều mô hình kinh tế, cuối cùng ông quyết định đầu tư làm cây cảnh, cái nghề đòi hỏi người làm có óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo. Những thứ đó ông Hùng sẵn có. Thời điểm ấy người làm cây cảnh ít, người mua chơi cây thì nhiều nên có năm ông Hùng thu về 300 - 400 triệu đồng. Nhờ ham làm, tiết kiệm, vợ chồng ông xây được nhà và lo cho con cái học hành. Chỉ tay vào ngôi nhà khang trang, ông Hùng cho biết: Ngôi nhà này xây từ năm 2000, đến giờ tôi vẫn cứ ngỡ là mơ vì trước đây gia đình quá nghèo khó.

Khi nhà nước có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, ông Hùng mạnh dạn xin địa phương đấu thầu, chuyển đổi 4 sào đất liền thổ để mở rộng vườn cây cảnh. Ngoài làm những cây thế độc đáo, ông còn trồng nhiều loại cây cảnh chơi hoa, chơi lá mới và đẹp mắt nên được khách hàng tìm đến tận vườn mua. Đến đầu năm 2011 phong trào chơi cây cảnh bão hòa, ông nhanh chóng chuyển sang nghề ươm, bán cây giống gồm hòe, cau, ổi. Rồi nhận thấy thị trường những loại cây giống này đi vào khó khăn, ông lại chuyển đổi toàn bộ diện tích sang ươm trồng hồng xiêm và đinh lăng, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi. 

Ông Hùng chia sẻ: Làm kinh tế cái quan trọng là nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường từ đó chọn cây, con gì để nuôi trồng cho hiệu quả. Quá trình làm phải linh hoạt, vốn ít thì phải biết “lấy ngắn nuôi dài” và cuối cùng là phải tâm huyết với công việc, sống thật thà, lượng thiện thì ai cũng quý mến và giúp đỡ.

Nói về chồng mình sau 28 năm chung sống, vợ ông Hùng chia sẻ: Từ khi hai vợ chồng tay trắng lấy nhau đến nay đã có “của ăn của để” nhưng chưa một lần ông ấy nặng lời với vợ con. Ông ấy rất kiên trì và nhẫn nại, không ngại khó, sợ khổ. Nhiều lần đi làm vườn trượt chân ngã xuống ao, ông ấy tự một mình bò lên rồi lại đi làm tiếp. Chính nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi trong cuộc sống của ông ấy là tấm gương giáo dục các con phấn đấu học tập, khôn lớn, trưởng thành.

Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày