Thứ 3, 21/05/2024, 15:18[GMT+7]

“Con trai là điểm tựa của tôi”

Thứ 2, 23/07/2018 | 08:40:12
2,330 lượt xem
Câu nói ấy của Trung úy Bùi Thị Bích Ngọc, vợ Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh, chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi-171 tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) ngày 7/7/2014 để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Sau hơn 4 năm từ ngày chồng hy sinh, với chị Ngọc, con trai là điểm tựa để chị vượt qua mọi khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Trung úy Bùi Thị Bích Ngọc luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan.

Cuối giờ chiều, chị Ngọc vẫn miệt mài làm việc tại nhà ăn Ban CHQS huyện Đông Hưng. Hơn 4 năm kể từ ngày nhận quyết định về làm việc tại đơn vị theo chủ trương của Bộ Quốc phòng đối với thân nhân liệt sĩ đã giúp chị vơi bớt nỗi đau mất mát trong cuộc đời. Khi đã nấu xong bữa cơm phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, chị lại tất bật trở về nhà lo bữa cơm cho hai mẹ con. Đây cũng là khoảng thời gian chị dành hết cho con trai yêu quý của mình. Cách đây vài ngày, chị Ngọc xin đơn vị nghỉ phép để lên Hà Nội cùng với hội chị em có chồng hy sinh đến thắp hương cho các anh tại nơi xảy ra tai nạn. Chị kể: Mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 7/7 là mọi người tổ chức gặp mặt tại Hà Nội rồi lên đó thắp hương cho các anh và để các con có khoảng thời gian vui chơi bên nhau. Từ ngày các anh hy sinh, chị em chúng tôi đều giữ liên lạc thường xuyên, ai có công việc gì là mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

Nhớ về những ngày gia đình còn hạnh phúc bên nhau, chị Ngọc chực trào nước mắt. Chị và anh quen nhau cũng thật tình cờ, sau vài tháng tìm hiểu, yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Biết anh là bộ đội, công việc thường xuyên phải xa nhà nhưng chị vẫn đến với anh không một toan tính. Chị nhớ lại: Tốt nghiệp Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội nhưng sau gần một năm ra trường vẫn không xin được việc tôi quyết định về quê làm công nhân may gần nhà để tiện chăm sóc bố mẹ già. Trong khoảng thời gian đó, tình yêu của tôi với anh chớm nở, rồi quyết định về sống chung một nhà. Cuộc sống vợ chồng trẻ những ngày đầu thiếu thốn đủ bề nhưng đầy hạnh phúc.

Rồi cậu con trai Nguyễn Mạnh Hùng chào đời, khó khăn càng nhiều. Nhưng vì nhiệm vụ, mỗi tháng anh cũng chỉ tranh thủ về thăm, động viên vợ con một lần. Mặc dù chị không nói ra nhưng anh luôn hiểu điều mong mỏi của vợ là có một ngôi nhà chắc chắn để không lo mưa gió khi vắng bóng người đàn ông trong gia đình. Có lần anh vừa về đến nhà nhưng vì công việc gấp ở đơn vị, chỉ kịp bế con trai một lúc là anh lại lên đường về đơn vị.

Chung sống vẹn tròn với nhau gần 10 năm, chị thấy ở anh sự hiền lành, thật thà và một điều đặc biệt chính là anh luôn nghĩ cho gia đình, vợ con. Dù thời gian đã qua nhưng mỗi lần nhắc đến chị Ngọc vẫn không thể quên lời anh dặn qua điện thoại tối 6/7/2014: “Em giữ gìn sức khỏe để thay anh chăm sóc con và bố mẹ. Đầu sang năm, anh sẽ xin nghỉ phép và vay mượn thêm để làm nhà cho mẹ con em có nơi ở ổn định”. Chị Ngọc không nghĩ rằng đó lại là những lời cuối cùng anh nói với chị. Ngày hôm sau (7/7), chị nhận được tin anh gặp tai nạn trong khi cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ. 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh còn Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh và Thượng úy Đinh Văn Dương bị thương nặng. “Những ngày chăm sóc anh ở Bệnh viện Quân y 103, trong tôi luôn thắp nên ngọn lửa hy vọng anh ấy sẽ vượt qua hoạn nạn để trở về với mẹ con tôi nhưng rồi hy vọng ấy vụt tắt mặc dù đã được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện tận tình cứu chữa. Sau gần hai tháng chiến đấu với đau đớn của thương tật, ngày 2/9/2014, anh ấy mãi mãi ra đi...” - chị Ngọc xót xa nhớ lại.

Thời gian đầu khi Thượng úy Nguyễn Hoàng Anh hy sinh, mẹ con chị Ngọc sống trong bộn bề khó khăn. Dù con trai Nguyễn Mạnh Hùng còn nhỏ nhưng cháu đã có ý thức về việc bố không còn nữa. Nhiều đêm Hùng nằm khóc vì nhớ bố, có khi cháu còn tâm sự với mẹ: Con muốn sinh nhật này được bố tặng quà... Nghe con nói thế, chị cố kìm nén cảm xúc, dặn lòng mình phải cố gắng hết sức thay anh nuôi con khôn lớn. Được sự động viên của gia đình, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Đông Hưng, chị dần vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống. Được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ tận tình của đồng đội, cuối năm 2016, ngôi nhà mới của chị được xây dựng tại thị trấn Đông Hưng. “Tâm nguyện của anh dành cho tôi đã được thực hiện. Giờ đây tôi chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị, nhiệm vụ của người mẹ, người cha và người con trong gia đình” - chị Ngọc tâm sự.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Trung úy Bùi Thị Bích Ngọc, Thượng tá Đặng Văn Dũng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Hưng chia sẻ: Vừa qua đồng chí Ngọc nhận quyết định chuyển từ công nhân viên quốc phòng sang quân nhân chuyên nghiệp, đây cũng là động lực nhưng cũng là trách nhiệm để đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng đồng chí luôn sắp xếp việc nhà hợp lý để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn tạo điều kiện để đồng chí làm việc cũng như chia sẻ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày