Thứ 3, 30/04/2024, 23:12[GMT+7]

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Sơn

Thứ 5, 16/08/2018 | 08:14:25
2,896 lượt xem
Với đức tính cần cù, chịu khó, từ hai bàn tay trắng, cựu chiến binh Nguyễn Đăng Sơn, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng) đã góp phần đưa thương hiệu đào cảnh và tháp phát lộc của địa phương tới mọi miền Tổ quốc.

Cây cảnh - thú chơi tao nhã nhưng vẫn tạo thu nhập cho ông Sơn.

Năm 1976, Nguyễn Đăng Sơn lên đường nhập ngũ, huấn luyện tại Hải Phòng rồi vào Nam công tác, đóng quân tại An Giang. Sau đó ông đi học sĩ quan rồi về Đại đội cơ động Gia Lai - Kon Tum giữ chức Đại đội phó. Năm 1990 ông xuất ngũ về quê, hưởng chế độ bệnh binh, mất sức 70%, tiếp tục cống hiến cho quê hương trên một số cương vị, hiện ông là Bí thư Chi bộ thôn Đình Phùng. Dù ở bất cứ cương vị nào, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đăng Sơn cũng đều phát huy phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau khi xuất ngũ về quê, thấy cảnh gia đình khó khăn, ông bắt tay cải tạo đồng ruộng trồng lúa. Song thóc làm ra chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu. Thấy một số gia đình trong xã trồng đào cảnh có hiệu quả, ông mạnh dạn chuyển đổi 2 sào ruộng khoán của gia đình sang trồng đào đồng thời tận dụng đất vườn nhà trồng si, sanh cảnh để bán, tăng thu nhập cho gia đình. Một số cây si, sanh do ông tạo dáng được lựa chọn tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2012 trở lại đây, ông tiếp tục chuyển 2 sào ruộng còn lại của gia đình sang trồng cây phát lộc.

CCB Nguyễn Đăng Sơn chia sẻ: Để cây đào có thế đẹp thì ngay từ lúc ươm cây phải uốn cành tạo dáng, cắt bớt cành; để đào ra hoa đúng dịp tết phải nghiên cứu kỹ thời tiết, khoảng tháng 11 tiến hành rẽ lá, nếu thời tiết khô hanh phải tưới nước để kích thích hoa nở, nếu thời tiết nắng nóng thì rẽ lá muộn hơn bình thường. Tất cả các khâu trồng, chăm sóc đào tôi đều tự tay làm để có sản phẩm như ý. Với kinh nghiệm trồng đào của mình, ông Sơn hầu như không bị thất thu vụ nào do đào nở sớm hay nở muộn như nhiều hộ khác trong xã, hàng trăm gốc đào của ông luôn được thương lái đến tận ruộng thu mua cung cấp cho thị trường trong Nam ngoài Bắc.

Không chỉ trồng đào, ông còn biết cách nâng cao giá trị của cây phát lộc nhờ chuyển từ bán nguyên liệu thô sang làm tháp phát lộc, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến mẫu mã theo thị hiếu của người tiêu dùng. Lúc đầu ông chỉ làm tháp 3 - 5 tầng, khung làm bằng tre, sau tăng lên 7, 9, 13, 15 tầng, khung làm bằng nhựa mỏng bền hơn tre, cắt phát lộc bằng máy nên đều, nhanh hơn cắt bằng tay. Cứ đến tháng 8 âm lịch là hai vợ chồng ông lại vào mùa làm tháp phát lộc. Với sự khéo léo, mỗi mùa phát lộc vợ chồng ông làm ra từ 200 - 300 sản phẩm. Cùng với đào, mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Đăng Sơn còn là một bí thư chi bộ gương mẫu, tích cực trong các hoạt động của xã, của thôn. Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đóng góp theo quy định, ông và gia đình còn hiến đất để thôn mở rộng đường giao thông. Dù sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn đến từng nhà tuyên truyền, vận động mọi người tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần đưa Minh Tân về đích nông thôn mới năm 2015.

Đánh giá về CCB Nguyễn Đăng Sơn, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội CCB xã Minh Tân chia sẻ: Ông Nguyễn Đăng Sơn là điển hình trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi; là bí thư chi bộ năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm; là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày