Thứ 4, 01/05/2024, 00:40[GMT+7]

Nén tâm nhang cháy nơi thành cổ

Thứ 2, 05/11/2018 | 10:34:53
2,608 lượt xem
Ở tuổi 72, ông Đào Minh Mẫn vẫn ngày ngày say sưa với công việc hỗ trợ gia đình liệt sĩ, với ông sau cuộc chiến được may mắn trở về là hạnh phúc mà đồng đội đã gửi trao, đồng đội ông nằm lại chiến trường chưa được trở về, ông coi đó là món nợ cuộc đời phải tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ thân nhân của họ...

Ông Đào Minh Mẫn và các cựu chiến binh dâng hương viếng đồng đội tại vị trí hầm sở chỉ huy Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, Thành cổ Quảng Trị.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”

Đây là bốn câu thơ của Phạm Đình Lân được khắc trên bia đá đặt ngay phía bên trái trong Thành cổ Quảng Trị, nơi này “Nghĩa trang không nấm mộ” dưới lớp cỏ xanh còn có bao nhiêu hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào đất thiêng.

Nhân chứng nơi Thành cổ

Ông Đào Minh Mẫn, cựu chiến binh quê ở xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, thường trú ở thôn Kìm, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình từng giữ cương vị Chính trị viên Đại đội hỏa lực 12, Chính trị viên Tiểu đoàn K3 Tam Đảo trực tiếp thực chiến trọn vẹn 81 ngày đêm từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972 Thành cổ Quảng Trị, nước mắt cứ rưng rưng khi trở lại nơi này thắp hương cho đồng đội. “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn” - Đào Minh Mẫn nhắc lại lời thề quyết tử của đơn vị “K3 Tam Đảo” với Tổ quốc và nhân dân, với Quân ủy Trung ương trong những ngày Thành cổ Quảng Trị là chảo lửa, là túi đựng bom đạn của quân thù. Không kể ngày hay đêm, bất cứ phút giây nào đồng đội của ông có thể ngã xuống và ra đi mãi mãi không trở về. 

Đi cùng ông Đào Minh Mẫn về hướng Tây Thành cổ đến trước một tấm bia ông Mẫn dừng lại và nói: Đây là vị trí của hầm sở chỉ huy Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, căn hầm chỉ huy này đã bị bom địch đánh trúng lúc 9 giờ sáng ngày 3/8/1972. Khi Tiểu đoàn vừa mới kết thúc giao ban tác chiến, chỉ huy các đại đội vừa về vị trí chiến đấu và Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến mới ra khỏi hầm đi kiểm tra các hướng chốt của đơn vị Đại đội 9 ở hướng nhà thờ Tri Bưu. Tôi nghe ông Mẫn khấn đồng đội “Anh Chủng ơi, các đồng đội ơi, tôi là Đào Minh Mẫn, Chính trị viên Đại đội hỏa lực 12 đây. Tôi vào Quảng Trị để tìm hài cốt đồng đội và thắp hương cho anh và các đồng đội đây. Ôi đau thương quá. Bốn mươi sáu năm rồi các anh nằm lại nơi này, các đồng đội linh thiêng phù hộ cho chúng tôi tìm được nhiều đồng đội đưa về quê hương. 

Ông Mẫn cho biết: Chính trị viên Tiểu đoàn Lê Binh Chủng và hơn chục cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn K3 Tam Đảo và một số chiến sĩ Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 95 tăng cường đã hy sinh, trong đó có Trung đội trưởng thông tin Thiếu úy Phạm Văn Nhiên, quê ở phường Đề Thám, thành phố Thái Bình và Bùi Đình Văn quê ở huyện Quỳnh Phụ. 

Ông Đào Minh Mẫn bật khóc. Tôi và những người đi cùng đoàn lặng lẽ thắp nhang dưới tấm bia dựng ngay trên hầm của sở chỉ huy Tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Ông Đào Minh Mẫn có 11 năm gắn bó với chiến trường tỉnh Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ, ký ức về Thành cổ mà ông trọn vẹn 81 ngày đêm sát cánh cùng đồng đội chấp nhận hy sinh, chiến đấu và hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của địch. Thành cổ chỉ với chu vi hơn 2.200m mà có ngày địch đã nã vào Thành cổ ước tới 5.000 quả đạn đại bác các loại và trong 81 ngày đêm quân thù đã trút xuống nơi đây 328.000 tấn bom đạn các loại. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hứng chịu trên 100 quả bom các loại và trên 200 quả đạn pháo, chưa kể nhiều lần địch còn sử dụng chất độc hóa học ở nơi này. 

Ông Đào Minh Mẫn nhớ lại: Tiểu đoàn K3 Tam Đảo được giao chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, sở chỉ huy Tiểu đoàn bố trí phía trong mép Thành kề cổng phía Tây, Đại đội hỏa lực 12 của ông được bố trí hướng Tây Bắc, các đại đội 9, 10, 11 được bố trí chốt giữ hướng Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam Thành. 

Ông Mẫn nói về sự ác liệt trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, thì những đồng đội của ông chốt bảo vệ Thành cổ sau 81 ngày đêm còn sống đã kể ở nhiều trang sách, báo, ngoài Tiểu đoàn K3 Tam Đảo trực tiếp chốt giữ trong Thành còn có sự phối hợp tác chiến vòng ngoài của nhiều đơn vị bạn với quyết tâm bảo vệ Thành cổ bằng mọi giá và giá của sự quyết tâm là Thành cổ được giữ vững, tạo thế cho ta đấu tranh với đế quốc Mỹ tại hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, cái giá còn là những hy sinh mất mát vô cùng lớn lao của dân tộc. Chỉ riêng K3 Tam Đảo ngày đầu vào chốt giữ Thành với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ mà khi kết thúc 81 ngày đêm danh sách liệt sĩ của đơn vị đã trên 600 người. Trong những ngày cam go khốc liệt ấy, mỗi đêm là một lần đơn vị được bổ sung quân số và mỗi ngày là dày thêm sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, người này ngã xuống chưa kịp an táng thì người khác đã vĩnh viễn ra đi, cứ lớp lớp quyết tử để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. 

Ông Đào Minh Mẫn kể lại câu chuyện thương đau thế này: Bạn thân của ông là Quách Đình Đốc, quê ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng sau khi tham gia chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị, tháng 5/1972 anh Đốc được đơn vị cho ra Bắc nghỉ phép và lấy vợ, khi trở lại chiến trường chiến đấu và bị thương vào cánh tay không còn khả năng chiến đấu, đơn vị cho anh Đốc cùng 48 đồng đội vượt sông Thạch Hãn về tuyến sau và chiếc thuyền chở anh Đốc cùng đồng đội vượt sông đã bị trúng bom giặc, không một ai trở về, máu xương của anh Đốc cùng đồng đội đã hòa vào dòng Thạch Hãn. Ngày 13/9/1972, tức chỉ còn 3 ngày sau nữa là K3 Tam Đảo được lệnh rút quân khỏi Thành cổ, Chính trị viên Tiểu đoàn Đại úy Nguyễn Hữu Đoài, ra chốt động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm bám chốt và trúng đạn M79 của địch hy sinh. Thượng úy Đào Minh Mẫn, Chính trị viên Đại đội hỏa lực 12 được cấp trên giao nhiệm vụ thay Nguyễn Hữu Đoài làm Chính trị viên Tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Đêm ngày 16/9/1972, Tiểu đoàn K3 Tam Đảo được lệnh rút quân khỏi Thành cổ Quảng Trị, khi ấy cả Tiểu đoàn còn 16 tay súng dưới sự chỉ huy của Đào Minh Mẫn, lặng lẽ vượt qua làng An Tiên, xã Triệu Liên để vượt sông Thạch Hãn về hậu cứ.

Nặng lòng với đồng đội  

Chiến đấu ở chiến trường tỉnh Quảng Trị 11 năm trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và cùng đồng đội nếm trải 81 ngày đêm hào hùng và thẫm đẫm đau thương ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.  Đào Minh Mẫn rời tay súng khi đã được ghi công với 3 huân chương chiến công, 5 bằng dũng sĩ diệt Mỹ, trên cơ thể còn găm lại nhiều vết thương, ông chuyển ngành về công tác trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, năm 2007 ông Đào Minh Mẫn nghỉ hưu. Nghỉ công tác nhưng ông không nghỉ hoạt động xã hội, trong ông vẫn nặng lòng với đồng đội. 

Ông Mẫn kể rằng, năm 1966 ông cùng 700 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 701, Trung đoàn 7, Sư đoàn 350 xuất quân từ Yên Tử hành quân vào tăng cường cho chiến trường tỉnh Quảng Trị và khi kết thúc chiến tranh điểm lại chỉ còn chưa đến 30 cán bộ, chiến sĩ trở về, hầu hết đã hóa thân cho Tổ quốc tự do, độc lập, họ - những đồng đội của ông mãi nằm lại đất rừng phương Nam. 

Năm 2016, ông Đào Minh Mẫn tham gia thành lập và làm Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình. Hội mới thành lập còn nhiều khó khăn, trụ sở hoạt động khi phải đi mượn, lúc đi thuê cuối cùng ông Mẫn dành nhà riêng của mình tại thôn Kìm, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình làm trụ sở để đón tiếp, gặp gỡ và tư vấn cho thân nhân liệt sĩ. Hàng ngày các cán bộ Hội Hỗ trợ tự nguyện đến đây tư vấn, chia sẻ thông tin cùng thân nhân liệt sĩ các địa phương trong tỉnh. Sau hai năm thành lập, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình đã có đóng góp đáng kể trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xoa dịu nỗi đau của nhiều thân nhân liệt sĩ, đã có hàng nghìn trường hợp thân nhân liệt sĩ được tư vấn, kết nối thông tin phần mộ, 385 thân nhân liệt sĩ đã được hội giúp đỡ đính chính thông tin sai lệch tại các nghĩa trang và tìm thấy phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang các tỉnh phía Nam, có ít nhất 3 trường hợp đưa được hài cốt liệt sĩ về quê hương… 

Ở tuổi 72, ông Đào Minh Mẫn vẫn ngày ngày say sưa với công việc hỗ trợ gia đình liệt sĩ, với ông sau cuộc chiến được may mắn trở về là hạnh phúc mà đồng đội đã gửi trao, đồng đội ông nằm lại chiến trường chưa được trở về, ông coi đó là món nợ cuộc đời phải tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ thân nhân của họ, dù chỉ là một thông tin nhỏ về liệt sĩ, về phần mộ của họ ông cũng không buông bỏ, bởi đó là bổn phận của người còn sống với người đã hy sinh.

Nguyễn Công Liêm

Thành phố Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày