Chủ nhật, 24/11/2024, 09:58[GMT+7]

Người thổi hồn cho gỗ

Thứ 2, 12/11/2018 | 08:37:40
3,318 lượt xem
Đi lên từ niềm đam mê của tuổi trẻ với nghề điêu khắc gỗ, đến nay, anh Đào Văn Mạnh, ở làng Buộm, xã Tân Tiến (Hưng Hà) đã trở thành một nghệ nhân, nhà điêu khắc gỗ có tiếng. Hầu hết các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh đều được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao.

Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói cởi mở mến khách, anh Mạnh cho biết: Ngay từ nhỏ, tôi đã rất thích nghề chạm khắc. Năm 2010, mới có 15 tuổi, đã nghỉ học sớm để sang làng nghề điêu khắc Đông Giao (Cẩm Giàng, Hải Dương) để học tập, với lòng say mê và tài hoa trời phú, chỉ trong hai năm từ một thợ học việc, tôi đã làm ra những sản phẩm chạm khắc đạt đến độ tinh xảo.

Chạm khắc gỗ chia làm nhiều mảng như phù điêu (tranh gỗ), tạc tượng và chân dung. Muốn tạo nên một tác phẩm điêu khắc tinh xảo đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao, sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Mỗi người chọn cho mình một loại hình thể hiện, tùy theo khiếu thẩm mỹ, sự khéo léo mà mỗi tác phẩm sẽ mang theo dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ biến gỗ thành tác phẩm nghệ thuật. Với những gốc cây mộc mạc và vô tri vô giác nhưng khi qua bàn tay người thợ, lại trở thành những bức tượng, những sản phẩm cực kỳ tinh tế và sinh động. Có lẽ vì nó được tạo nên bằng chính cảm xúc và sự nhạy bén của người nghệ nhân trẻ luôn say mê với nghề. 

Chỉ vào từng sản phẩm còn đang dang dở trong xưởng, anh Mạnh cho biết: Để làm ra những sản phẩm tinh xảo, mỗi nghệ nhân làm mộc cần có kỹ năng và tâm huyết. Sản phẩm gắn với văn hóa, tập quán, phong tục của vùng miền... không có độ rung cảm thì nghệ nhân rất khó thổi hồn vào tác phẩm. Chính vì thế, mỗi nghệ nhân hay người thợ đều xem sản phẩm như những đứa con tinh thần. Để có sản phẩm cạnh tranh với sự phát triển của nhiều mặt hàng khác, người thợ phải thực sự đam mê, nhiệt huyết và luôn phải sáng tạo, nâng cao tay nghề, đặt toàn bộ tâm hồn, trí tuệ của mình vào sản phẩm.

Không chỉ tự làm giàu từ lao động chân chính, anh Mạnh còn là thợ cả truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Tại xưởng của anh luôn có khoảng 10 thợ nghề, người thì đến học, người thì đã học xong ở lại làm việc. Đặc biệt, những người thợ này có thể tự tạo ra rất nhiều sản phẩm điêu khắc có giá trị phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Trong số những người thợ đó, cũng có không ít người mạnh dạn mở xưởng sản xuất và đã thành đạt với nghề.

Luôn biết tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, làm giàu cho bản thân và các bạn trẻ, anh Mạnh còn được biết tới là một người tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo như ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ các chương trình kêu gọi đóng góp ở địa phương và được bà con xóm làng yêu mến.

Xuân Sinh
(Hưng Hà)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày